“Làm ngơ” hay “không biết”?
10:21', 26/12/ 2007 (GMT+7)

Nhà tôi nằm gần khu vực Trường Đại học Quy Nhơn, trước nhà lúc đầu chỉ thấy xuất hiện một cô bán vé số, tưởng chừng chỉ ghi những tờ lô tô do Nhà nước phát hành cùng với những tờ vé số kiến thiết đem lại những niềm vui may mắn cho những người mua, nhưng đó chỉ là lớp bọc bên ngoài. Chị ta dùng những mảnh giấy ghi số đề là mặt sau của những tờ vé số kiến thiết đã xổ rồi, vì lỡ nếu công an có bắt thì hủy tang vật cũng dễ và nếu là khách hàng quen thì chị ta cho số di động và ghi số qua hệ thống này. Thật tinh vi! Thấy chị ta làm ăn được, thế là có nhiều bàn ghi số mọc lên và có nhiều cách để ghi đề nhằm tránh được sự phát hiện của công an.

Nhưng điều thật sự đáng buồn là các địa điểm ghi đề hiện ngày càng “bùng phát” mà tại sao chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng không biết? Nếu đến các đoạn đường như Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo (đặc biệt là khu vực gần Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định) vào lúc từ 15 giờ đến 18 giờ 30 thì bạn sẽ thấy sự “nhộn nhịp” của những “chợ đề”. Đi sâu thâm nhập vào thế giới này bạn sẽ thấy nếu một nhà mà có người bán đề thì họ sẽ huy động tất cả những người trong gia đình “làm việc” không kể lớn, nhỏ, trẻ, già. Vào tịch, chạy số… như một “guồng máy” trước giờ quay kết quả.

Điều đáng buồn thứ hai đó là đối tượng đánh đề đang lan rộng ra giới sinh viên (SV). Chơi lô đề từ lâu đã trở thành “một phần của cuộc sống” SV, rất nhiều trong số họ ham đề hơn ham học, đối với họ tiền mà bố mẹ họ phải chắt bóp, dè xẻn dành cho việc học hành không hề có ý nghĩa gì, trái lại nhiều cậu còn tìm đủ cách “móc túi các cụ” để chơi đề cho “thỏa”! Nhiều cậu nợ đến mức “bí quá hóa liều” mang xe bạn đi “đặt”, hoặc “chôm chỉa” trộm cắp, cướp giật… Đã có nhiều cậu bị đuổi học, đi tù… Ngay trên đoạn đường Ngô Mây (đối diện với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh), tôi thấy cứ đến giờ quay số chính thức thì ít nhất có một hay vài nhóm sinh viên đứng chầu chực dò kết quả.

Ai cũng biết, SV là lực lượng trí thức tương lai của đất nước, nhiều người trong số đó sẽ đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ sau. Nếu những “con ma đề” SV kia ra trường, làm việc tại một trường học, cơ quan, xí nghiệp nào đó, thì việc họ sẽ là những “ông thầy đề”, “kỹ sư lô”, và “chuyên gia tính toán” là điều khó tránh khỏi!? Một đất nước được dẫn dắt bởi những trí thức như vậy, rồi sẽ đi về đâu?

Tất nhiên không phải tất cả mọi SV đều như thế, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục “bình chân như vại”, thì điều đáng sợ kia e rằng sẽ có cơ sở để tồn tại! Điều này chẳng lẽ lại không đáng để mọi người quan tâm sao!?

  • Hồng Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các cấp chính quyền có... “vô cảm”?  (24/12/2007)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (19/12/2007)
Giải quyết khiếu nại nửa vời  (19/12/2007)
Trung tâm luyện thi ALPHA bất chấp pháp luật lao động?  (17/12/2007)
Thế nào là hộ nghèo?  (14/12/2007)
Một công trình thủy lợi thiếu thực tế  (12/12/2007)
Tòa bỏ qua quy định của pháp luật  (12/12/2007)
Rắc rối từ một lô đất cấp… lậu  (07/12/2007)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (05/12/2007)
Cần bảo vệ tốt hơn đê bao sông Lại  (05/12/2007)
Sẽ xây 10 phòng học mới thay 3 phòng học đã xuống cấp ở Trường TH Bồng Sơn Tây  (30/11/2007)
Cần quản lý tốt đầu thu vệ tinh  (30/11/2007)
Trách nhiệm của nhân viên quản trang ở đâu ?  (29/11/2007)
Công ty TNHH đá Granite Đông Á gây ô nhiễm môi trường  (28/11/2007)
Dân tự nguyện hay bị buộc “tự nguyện”?  (28/11/2007)