Gần đây dọc theo tuyến đê Đông thuộc địa phận các xã Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước) và xã Cát Chánh (Phù Cát), xuất hiện cả chục chiếc máy bơm nổi đặt trên mặt nước khai thác cát vô tội vạ, gây nguy cơ sạt lở đê Đông, một tuyến đê xung yếu mới đầu tư nâng cấp theo dự án “Giảm thiểu rủi ro thủy tai ở Bình Định” năm 2005 do chính phủ Hà Lan, Luxembourg và UNDP viện trợ cách đây 2 năm với kinh phí tiểu dự án 3 hơn 9,7 tỉ đồng.
|
Máy hút cát này hoạt động chỉ cách mái đê Đông có 5 mét. Ảnh: T.C
|
Ông Nguyễn Đình Ngỡi, đội phó Đội quản lý đê Tân Giản, trực thuộc Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh, cho biết: “Việc khai thác cát dọc theo tuyến đê Đông xảy ra rầm rộ từ đầu năm đến nay, chúng tôi có làm việc với anh em quản lý đê 2 xã Phước Thắng và Cát Chánh, đặt vấn đề với chính quyền các địa phương trên, nhưng nó vẫn diễn ra dai dẳng. Hiện nay phía trên tràn Lão Lễ thuộc đê sông Cát Chánh, và phía Cầu Khỉ dưới cống Lão Lễ có 5 máy hút cát đang hoạt động, bơm cát từ dưới sông lên tôn cao nền nhà rải rác của một số hộ dân ven đê và bán cho các xe tải. Chúng tôi hết sức bức xúc, gặp trực tiếp làm việc thì họ nói chỉ bơm một ít làm nhà và bơm cách chân đê hơn 100m, khi mình đi rồi thì họ đưa máy bơm hút vô gần đê để bơm”.
Chúng tôi đi dọc theo tuyến đê Đông từ Phước Hòa đến Phước Thắng sang Cát Chánh đếm được tất cả 12 máy bơm cát đang hoạt động (Phước Hòa 3 máy, Phước Thắng 7 máy và Cát Chánh 2 máy). Một người dân ở đây cho biết, sở dĩ máy bơm cát xuất hiện ngày càng nhiều bởi lợi nhuận mang lại cao, nếu sắm mới một máy bơm cát mất từ 5 - 6 triệu đồng, bơm 1 m3 cát bán làm vật liệu xây dựng thu được 12.000 đồng (1 giờ bơm khoảng 8m3 cát), còn bơm cát tôn cao nền nhà tính theo giờ tùy đường ống gần, xa mà trả 35 - 40 nghìn đồng/giờ, trong khi chi phí bỏ ra chỉ mất 1 lít dầu hơn 8.300 đồng.
Sự việc khai thác cát hiện diễn ra một cách công khai và những máy hút cát này hoạt động không biết bao giờ dừng, đang đe dọa làm sạt lở hàng cây số đê Đông, nhưng rất lạ cho đến nay chính quyền và các cơ quan chức năng chưa có một văn bản nào nghiêm cấm hay xử phạt hành chính hành vi “xâm hại đê Đông” này.
|