Vừa qua, Báo Bình Định nhận được đơn kêu cứu của hai anh em ruột Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 1986) và Nguyễn Anh Khoa (SN 1987), trước đây trú tại đội 4, thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (Tây Sơn) phản ánh về việc Thi hành án (THA) huyện Tây Sơn đã kê biên toàn bộ ngôi nhà, trong đó có phần thừa kế từ cha ruột mình (đã mất) để trả nợ cho mẹ và dượng, khiến cho hai em phải chịu cảnh “vô gia cư”, không nơi nương tựa từ nhiều năm nay. Sự thật về vụ việc này như thế nào?
|
Giấy bán nhà có chữ ký, họ tên đầy đủ của bên bán là vợ chồng ông Đặng Thành Châu, bà Huỳnh Thị Chấn và bên mua là vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Vinh, bà Nguyễn Thị Dưỡng, có xác nhận của UBND xã Tây Thuận.
|
* Vụ việc
Ngày 1-6-1988, vợ chồng bà Nguyễn Thị Dưỡng và ông Nguyễn Ngọc Vinh (cha mẹ ruột của hai em Hiếu – Khoa lúc này chỉ mới 1-2 tuổi) cùng đứng tên mua lại ngôi nhà rộng 40m2 tọa lạc trên khu đất có diện tích 264m2, ở đội 4, thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (Tây Sơn) của vợ chồng ông Đặng Thành Châu – bà Huỳnh Thị Chấn với số tiền 1,28 triệu đồng. Sau khi mua xong ngôi nhà trên, vợ chồng ông bà Vinh- Dưỡng cùng 2 con nhỏ và mẹ ruột ông Vinh cùng dọn về ở chung ngôi nhà này.
Đến năm 1989, ông Vinh qua đời, bà Dưỡng cùng mẹ chồng và 2 con vẫn tiếp tục ở lại ngôi nhà trên. Năm 1993, bà Dưỡng đi bước nữa với một người cùng làng là ông Lê Văn Hay. Sau đó, bà Dưỡng dọn đến nhà ông Hay ở, ngôi nhà vợ chồng bà Dưỡng mua, bà để lại cho mẹ chồng cũ và 2 đứa con ở. Trong thời gian sống chung với ông Hay, bà Dưỡng và ông Hay do làm ăn thua lỗ đã nợ của vợ chồng ông Đặng Văn Phước và bà Châu Thị Lệ Thủy, trú tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, với số tiền gần 9,45 triệu đồng.
Căn cứ vào bản án dân sự phúc thẩm số 85/DSPT ngày 15-8-1996 và đơn yêu cầu THA của vợ chồng ông Phước - bà Thủy, ngày 23-12-1996, Đội THA huyện Tây Sơn đã tiến hành kê biên và định giá hai ngôi nhà, gồm: một ngôi nhà cấp 4 rộng 40m2 nằm trên khu đất rộng 200m2 (theo thực tế thi hành án) ở đội 4, thôn Tiên Thuận do bà Dưỡng và chồng cũ mua; một ngôi nhà của bà Dưỡng và người chồng sau là ông Hay mua lại của Công ty Thương nghiệp huyện Tây Sơn. Ngày 10-3-1997, Đội THA Tây Sơn tiến hành các thủ tục thông báo bán phát mãi hai ngôi nhà trên, và người mua cũng chính là vợ chồng “chủ nợ” Đặng Văn Phước và Châu Thị Lệ Thủy.
Ngôi nhà được thừa kế của cha ruột bị mất trắng trong khi hai em Hiếu - Khoa lúc này chỉ mới 9-10 tuổi nên chẳng biết gì. Đến năm 2003, khi được 16 - 17 tuổi, hai em mới hiểu ra mọi chuyện và bắt đầu hành trình kiện đòi quyền thừa kế tài sản người cha. Thế nhưng hàng chục lá đơn hai em Hiếu – Khoa gởi khắp nơi từ xã đến huyện, rồi tỉnh trong 4 năm qua vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết..., hoặc trả lời bằng văn bản chính thức.
* Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đồng – Trưởng THA huyện Tây Sơn, cho biết: “Vào thời điểm chuẩn bị kê biên hai ngôi nhà, bà Dưỡng tự nhận với Đội THA là ngôi nhà thứ nhất ở đội 4 (ngôi nhà hai em Hiếu – Khoa khiếu nại) là của bà Dưỡng và do một mình bà đứng tên. Ngoài ra, trên cơ sở biên bản xác minh về việc thi hành án, thì ngôi nhà ông Châu bán lại chỉ một mình bà Dưỡng đứng tên có xác nhận của UBND xã ngày 5-6-1988. Bây giờ ông Khoa với ông Hiền có kiện đòi lại nhà thì kiện mẹ mình là bà Dưỡng chứ kiện gì chúng tôi”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dưỡng khẳng định với chúng tôi rằng, bà chưa bao giờ khai với cơ quan THA nói riêng cũng như với các cơ quan chức năng ngôi nhà thứ nhất ở đội 4 mà THA đã kê biên, phát mãi là tài sản của riêng một mình bà. Ngoài ra, “cơ sở” để THA Tây Sơn phát mãi ngôi nhà thứ nhất tại đội 4 là nội dung ghi trong biên bản xác minh về việc thi hành án được xác lập vào ngày 5-12-1996. Cụ thể, nội dung trong biên bản có đoạn: “... Qua xác minh cho thấy, tài sản của vợ chồng ông Lê Văn Hay và bà Nguyễn Thị Dưỡng gồm có 2 ngôi nhà sau: Nhà thứ nhất ở tại đội 4: Mái lợp ngói, tường xây gạch, nền láng xi măng, diện tích 5m x 8m = 40m2 có giấy bán của ông Đặng Thành Châu chuyển lại cho Nguyễn Thị Dưỡng, có xác nhận của UBND xã Tây Thuận ngày 5-6-1988)...”. Biên bản xác minh của THA và chính quyền địa phương ghi vậy, nhưng thực tế trong Giấy bán nhà do vợ chồng ông Đặng Thành Châu và Huỳnh Thị Chấn viết vào ngày 1-6-1988, trong đó có ghi tên đầy đủ và có cả chữ ký của hai vợ chồng người mua là bà Nguyễn Thị Dưỡng - ông Nguyễn Ngọc Vinh. Việc mua bán ngôi nhà trên được UBND xã Tây Thuận xác nhận ngày 5-6-1988.
|
... Nhưng “Biên bản xác minh” của cơ quan thi hành án chỉ viết gọn: ... “Ông Đặng Thành Châu chuyển lại cho Nguyễn Thị Dưỡng...” |
* Không thể đổ lỗi cho lời khai khi xác minh
Tại Báo cáo số 01/BC-THA, ngày 22-3-2005 của Đội THA huyện Tây Sơn gửi UBND huyện Tây Sơn và Phòng THA tỉnh Bình Định, có ghi: “… nếu như ngôi nhà tại xóm 4, Tiên Thuận, Tây Thuận, Tây Sơn có công sức đóng góp của ông Nguyễn Văn Vinh (đúng ra là Nguyễn Ngọc Vinh - PV) là cha ông Khoa và ông Hiếu thì hướng dẫn ông Khoa, ông Hiếu khởi kiện bà Nguyễn Thị Dưỡng- mẹ của hai ông ra tòa để bà Dưỡng có trách nhiệm bồi thường cho hai ông, vì bà Dưỡng đã khai với Đội THA cùng chính quyền địa phương nhà tại xóm 4, Tiên Thuận, Tây Thuận, Tây Sơn là nhà của riêng bà, chỉ một mình bà đứng tên…”(!).
Đội THA huyện Tây Sơn không thể dựa vào câu chữ viết gọn (do mình lập) tại Biên bản xác minh thi hành án ngày 5-12-1996 là ông Đặng Thành Châu chuyển lại cho Nguyễn Thị Dưỡng. Nội dung biên bản này, kể cả xác nhận của UBND xã Tây Thuận là không đúng thực tế và sai pháp luật. Bởi, nếu ghi đầy đủ thì bên bán phải có tên vợ ông Châu là bà Huỳnh Thị Chấn. Ngược lại bên mua có thể đứng tên một người là vợ hoặc chồng, nhưng tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ chồng, vì đang trong thời kỳ hôn nhân tồn tại (nếu không có văn bản chứng minh là tài sản riêng của vợ hoặc chồng). Mặt khác, biên bản xác minh thi hành án không ghi rõ tài sản riêng của bà Dưỡng, cũng không ghi gia cảnh, nhân khẩu đang cư trú trong ngôi nhà này để làm cơ sở giải quyết thi hành án đối với những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan sau này. Trong khi đó, hàng thừa kế thứ nhất đối với tài sản do ông Nguyễn Ngọc Vinh để lại (một phần ngôi nhà ở đội 4, Tiên Thuận) còn có bà Trần Thị Nhỏ (mẹ ruột ông Vinh) và hai người con là Hiếu và Khoa.
Việc Đội THA huyện Tây Sơn căn cứ Pháp lệnh Thi hành án Dân sự năm 2004, cho rằng Hiếu và Khoa không còn thời hiệu khiếu nại thi hành án là không phù hợp. Bởi thời điểm nảy sinh những sự kiện pháp lý về thi hành án là vào những năm 1996-1997, nên trong trường hợp này phải được áp dụng Pháp lệnh Thi hành án Dân sự năm 1993 (không quy định thời hạn khiếu nại).
Điều khó hiểu nữa là bà Dưỡng, ông Hay có 2 căn nhà tính cả tài sản chung lẫn riêng, giá trị cao hơn số tiền phải thi hành án, nhưng Đội THA lại phát mãi toàn bộ để khấu trừ cho chính người được thi hành án, sau đó trả tiền thừa cho bà Dưỡng và ông Hay. Vậy gia đình của bà Dưỡng, bà Trần Thị Nhỏ và anh em Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Anh Khoa trú ở đâu? Sao không trích một phần nhà và đất cho họ?
Theo chúng tôi, việc thi hành án nói trên của THA huyện Tây Sơn là hoàn toàn chưa thấu tình, đạt lý. Và đơn kêu cứu của hai em Hiếu - Khoa cần được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết để trả lại công bằng cho hai anh em mồ côi cha từ rất sớm này.
|