Từ 1-6-2007, bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh “bị ép” phải đi với giá cước khá cao bởi BV quy định chỉ cho phép một hãng taxi độc quyền khai thác khách trong bệnh viện. Quy định này mang lại cho BVĐK tỉnh khoản thu 74,5 triệu đồng/tháng, nhưng bệnh nhân thì thiệt thòi và gặp không ít khó khăn.
|
Taxi Hương Trà chờ đón khách bên ngoài, còn hãng taxi Mai Linh ung dung vào BVĐK tỉnh đón khách (ảnh lớn). Văn phòng đại diện Taxi Mai Linh trong BVĐK tỉnh(ảnh nhỏ).
|
Với mục tiêu nhằm lập lại trật tự kinh doanh vận tải khách trong bệnh viện, giữa tháng 5-2007, BVĐK tỉnh đã tổ chức cuộc đấu thầu công khai để chỉ cho phép một hãng taxi độc quyền đón trả khách trong khuôn viên bệnh viện. Với giá khởi điểm 30 triệu đồng/tháng, kết quả hãng taxi Mai Linh (Bình Định) đã đánh bật hai đơn vị tham đấu thầu khác với giá bỏ thầu cao ngất: 74,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, từ ngày 1-6-2007, hãng taxi Mai Linh được phép độc quyền đón trả khách trong khuôn viên BVĐK tỉnh, còn các hãng taxi khách phải chầu rìa bên ngoài.
* Bệnh nhân “buộc” phải đi taxi giá cao
Với kết quả đấu thầu trên, bình quân mỗi ngày hãng taxi Mai Linh phải chi trả gần 2,5 triệu đồng cho việc độc quyền đón trả khách trong khuôn viên BVĐK tỉnh. Vì sao hãng taxi Mai Linh lại mạnh tay bỏ ra một khoản tiền khá lớn như thế? Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ hãng taxi Mai Linh mạnh dạn như vậy bởi vì giá cước chở khách của hãng taxi này cao hơn so với các hãng khác. Cụ thể, với giá cước theo đồng hồ, hãng taxi Mai Linh tính với giá 15.000 đồng/2km đầu tiên, trong khi đó các hãng taxi khác chỉ tính với giá 14.000 đồng/2km đầu tiên. Còn đối với hợp đồng chở khách đường dài, giá cước của hãng taxi Mai Linh cũng cao hơn các hãng khác trong tỉnh từ 10 đến 20%. Chẳng hạn đoạn đường từ BVĐK tỉnh đến thị trấn Phù Mỹ, trong khi các hãng taxi khác nhận hợp đồng vận chuyển bằng xe 4 chỗ với giá từ 220.000 - 250.000 đồng/chuyến thì hãng taxi Mai Linh hợp đồng chắc giá 300.000 đồng/chuyến. Hoặc như tuyến BVĐK tỉnh - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), các hãng taxi khác chỉ nhận hợp đồng với giá cước khoảng 2,1 triệu đồng/chuyến, còn hãng taxi Mai Linh nhận vận chuyển với giá 2,4 triệu đồng/chuyến…
* Lợi bất cập hại
Với chủ trương mới, trật tự hoạt động kinh doanh vận tải khách trong khuôn viên BVĐK tỉnh đã đi vào nề nếp hơn. Tuy nhiên, giá phải trả cho sự gọn gàng này quá đắt và bệnh nhân là người phải gánh chi phí này.
|
Chỉ có taxi Mai Linh mới được quyền đón khách trong BVĐK tỉnh.
|
Anh Nguyễn Minh Hùng, ở thị trấn Phù Mỹ - người nhà của một bệnh nhân BVĐK tỉnh vừa được xuất viện, bức xúc: “Hôm đưa mẹ xuất viện về nhà, tôi gọi hãng taxi Mai Linh thì họ báo giá cước 300.000 đồng/lượt từ BVĐK tỉnh về thị trấn Phù Mỹ. Thấy giá cao, tôi cố nài nỉ bớt chút ít nhưng họ bảo là quy định giá chung rồi nên không bớt được. Tôi tiếp tục gọi một hãng taxi khác thì họ nhận giá cước chỉ 250.000 đồng/chuyến, nhưng với điều kiện chỉ đón chúng tôi ở ngoài cổng chứ không thể đón trong cổng được. Nghĩ mẹ bị bệnh, làm sao tôi tiếc 50.000 đồng mà để bà đi bộ ra cổng được nên tôi đành bấm bụng đi taxi Mai Linh. Thật quá phi lý khi phải trả 50.000 đồng cước taxi một đoạn đường trên dưới một trăm mét từ trong ra đến cổng bệnh viện”.
Không chỉ bệnh nhân bức xúc mà ngay cả các DNVT taxi khách cũng bức xúc vì không được đưa bệnh nhân vào khu điều trị của bệnh viện. Anh Thành - Chủ hãng taxi Quy Nhơn, cho biết: “Tội nghiệp nhất là những sản phụ đang trong giai đoạn chuyển dạ chuẩn bị sinh con khi đi taxi đến BVĐK tỉnh để sinh. Vì BVĐK tỉnh không cho xe của các hãng taxi vào khu điều trị của bệnh viện (trừ hãng Mai Linh) nên khi đi taxi của các hãng khác đến bệnh viện, họ buộc phải tự đi bộ vào khoa Sản. Quy định này của BVĐK tỉnh chỉ làm khổ bệnh nhân thôi…”.
Lập lại trật tự trong bệnh viện là một chủ trương đúng của lãnh đạo BVĐK tỉnh. Nhưng việc chỉ để cho một DNVT độc quyền đón trả khách khiến người bệnh gặp không ít khó khăn trong việc ra vào BVĐK tỉnh là điều khó có thể chấp nhận.
Ai cũng biết để cứu người một phút cũng là quý. Hãy hình dung nếu chỉ vì một quãng đường ngắn phải đi bộ mà một bệnh nhân cấp cứu bị thiệt mạng thì liệu BVĐK tỉnh có phải chịu trách nhiệm?
|