|
Nhà Ban quản lý Cảng cá Đề Gi đóng cửa nhiều tháng nay. |
Bến cá Đề Gi thuộc thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (Phù Cát) là nơi thu hút rất nhiều thương lái, tàu thuyền của ngư dân ra, vào mua, bán hải sản. Để phục vụ nhu cầu đó, năm 2003 Nhà nước đầu tư trên 53 tỉ đồng xây dựng Cảng cá Đề Gi, gồm khu neo đậu tàu thuyền cho khoảng hơn 1.000 chiếc, đê chắn sóng... Đến tháng 4-2006 công trình này hoàn thành giai đoạn 2 và đưa vào sử dụng. Hàng ngày tại Cảng cá Đề Gi có từ 10-20 chiếc tàu, thuyền cặp bến mua, bán hải sản các loại. Và từ đây nạn cạnh tranh mua bán gây mất trật tự và ô nhiễm môi trường xảy ra.
Để hạn chế tình trạng này, ngày 19-5-2006, sau khi xem xét tờ trình của UBND xã Cát Khánh về việc xin tạm thời quản lý, bảo quản bãi bến cầu cảng cá Đề Gi, UBND huyện Phù Cát có công văn thống nhất trước mắt cho UBND xã Cát Khánh chịu trách nhiệm phối hợp cùng Đồn Biên phòng 316 quản lý trật tự, vệ sinh môi trường khu vực Cảng cá, song về lâu dài UBND xã phải xây dựng phương án tổ chức, quản lý và hoạt động của càng cá trình UBND huyện phê duyệt.
|
Tranh mua, tranh bán gây mất an ninh tại cầu cảng là chuyện xảy ra thường ngày. |
Sau đó UBND xã Cát Khánh đã thành lập Ban quản lý Cảng (BQLC) gồm 7 người và thống nhất định mức thu phí an ninh trật tự, vệ sinh môi trường như: một tàu cập cảng thu 20.000đồng; một ô tô ra vào cảng chở cá thu 30.000đồng; mô tô thồ một lần vào cảng thu 2.000đồng... Nhờ đó, nạn ô nhiễm môi trường ở cầu cảng này không còn nữa, bởi có BQLC thu dọn. Nhưng ngược lại, những cuộc xô xát, cãi vã giữa ngư dân với BQLC lại xảy ra hàng ngày. Nguyên nhân là do hàng trăm người sinh sống bằng nghề đánh cá, mưu sinh nơi cảng cá bức xúc về cách thu tiền lệ phí không đúng quy định của BQLC, họ cho là giá thu phí quá cao, người dân không thể nào kham nổi, chưa nói đến là “thành viên” BQLC mạnh ai nấy thu, có biên lai thu tiền cũng phải, không ghi biên lai khi thu tiền cũng xong. Bất lực trước cảnh lộn xộn này và ngư dân quyết không chịu nộp phí khi cập cảng, thế là BQLC ngừng hoạt động nhiều tháng nay. Và cảnh tranh mua, tranh bán “mạnh được yếu thua”, chen lấn nhau, tranh giành gây mất trật tự an ninh liên tục. Điều đáng lo ngại hơn là ô nhiễm môi trường, nước thải từ cá, rác sinh hoạt gây hôi thối, những trưa hè nếu ai qua đây cũng phải nín thở bởi “mùi đặc trưng” này.
Để khắc phục tình trạng lộn xộn như đã nêu, UBND xã Cát Khánh cần có biện pháp can thiệp kịp thời. Trước mắt nên làm tờ trình UBND tỉnh cho phép thu lệ phí tại Cảng cá Đề Gi với mức giá thu phù hợp, đồng thời củng cố BQLC trở lại hoạt động có hiệu quả hơn. Về lâu dài, vì Cảng cá Đề Gi là một cảng cá lớn nên cần có mô hình và cách thức quản lý xứng tầm với nó.
|