Tính đến tháng 3 năm 2005, khi thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tiến hành thanh tra đã phát hiện trên địa bàn KKT Nhơn Hội có 1.376 trường hợp vi phạm, trong đó lấn chiếm đất 333 trường hợp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép 280 trường hợp, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép 230 trường hợp, xây dựng nhà trái phép 391 trường hợp và xã- thôn giao đất trái thẩm quyền 142 trường hợp. Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến xử lý kết luận thanh tra việc lấn chiếm đất đai KKT Nhơn Hội, giao Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát ra Quyết định thu hồi đất, buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, đồng thời xem xét xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân vi phạm Luật Đất đai...
|
Năm 2004 vùng đất thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh- Phù Cát) cạnh đường tỉnh lộ ĐT 639 một số hộ dân ra chiếm đất xây móng, xã lập biên bản đình chỉ do giải quyết không dứt điểm nay nhà đã xây xong. Ảnh: Thái Phiên
|
Chủ trương là thế, tuy nhiên trên thực tế chỉ một số ít địa phương tiến hành thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, còn lại đều lơ là, chậm xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn. Từ khi tuyến tỉnh lộ ĐT 639 mở ra, tiếp theo cầu vượt đầm Thị Nại khánh thành và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, thì tình hình lấn chiếm đất đai xây nhà trái phép, chuyển nhượng đất trái pháp luật tại KKT Nhơn Hội diễn biến khá phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2006 đến nay đã có thêm 100 trường hợp lấn chiếm đất cất nhà trái phép, trong đó địa bàn lấn chiếm nhiều nhất là xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) 37 trường hợp, Huỳnh Giản (Phước Hòa, Tuy Phước) 38 trường hợp, số còn lại ở 2 xã Cát Tiến và Cát Chánh (Phù Cát) đều nằm trong KKT Nhơn Hội.
Ông Ngô Tùng Hiếu, Chánh thanh tra Sở TNMT, cho hay: “Trên trục đường 639 hiện nay tình hình lấn chiếm đất đai tương đối phức tạp. Năm 2005 Sở TNMT tiến hành thanh tra dọc tuyến này, phát hiện có trên 1.000 trường hợp vi phạm. Sau khi cầu Thị Nại hoàn thành, Sở TNMT và các ngành liên quan lập đoàn kiểm tra tuyến tỉnh lộ ĐT639 bắt đầu từ ngã ba Đống Đa đến Cát Tiến. Qua kiểm tra thấy nổi lên từ năm 2006 đến nay tình hình lấn chiếm đất đai tiếp tục gia tăng. Đặc biệt ở thôn Huỳnh Giản đoạn đường ngắn nhưng số lượng người chiếm đến 38 trường hợp”.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho rằng: “Thôn Huỳnh Giản nằm cách xa trung tâm hành chính xã, đường sá đi lại khó khăn, lợi dụng ngày thứ Bảy, Chủ nhật các hộ tự động ra chiếm đất. UBND xã nhận thấy trách nhiệm này là của mình nên đã kiểm tra, soát xét và kiểm điểm cá nhân có liên quan, như địa chính không tham mưu kịp thời, các hội, đoàn thể xã chưa tuyên truyền vận động ngăn chặn việc lấn chiếm đất đai cất nhà trái phép. Tuy nhiên, do điều kiện của xã có hạn nên chúng tôi mong cấp trên và các ngành liên quan giúp đỡ tạo điều kiện cho địa phương giải quyết nhanh, dứt điểm số trường hợp đã vi phạm”.
Không riêng Phước Hòa mà ở 2 xã Cát Chánh và Cát Tiến tình hình lấn chiếm đất đai cũng rất phức tạp. Ông Văn Thanh Đua, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Qua kiểm tra số vi phạm từ năm 1992 đến nay ở xã chúng tôi có 313 trường hợp. Riêng thôn Phú Hậu có 280 trường hợp nằm trong KKT Nhơn Hội, xã đã báo cáo huyện xin ý kiến giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được gì”.
Việc giải quyết lấn chiếm đất đai không kịp thời đã dẫn đến một số hộ khác tiếp tục bắt chước. Tháng 3 và 4 năm 2007 ở thôn Phú Hậu có thêm 6 trường hợp tự động ra rừng dương chiếm đất cất nhà, xã chỉ cưỡng chế được 2 trường hợp. Còn 4 trường hợp khác đó là các hộ Phạm Văn Hải, Lê Văn Dũng, Huỳnh Tấn Lực, Đinh Văn Hoa thì chỉ lập biên bản xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ, nhưng đến nay chẳng ai tháo dỡ cả. Ông Nguyễn Đức Thính, Trưởng thôn Phú Hậu cho biết các hộ trên đều đã có nhà ở đàng hoàng, nhưng đi chiếm đất để chờ Nhà nước giải tỏa, đền bù họ cũng có phần. Nhân dân trong thôn đề nghị chính quyền phải giải quyết dứt điểm, không để “cái sảy, nảy cái ung. Nẫu chiếm được, tui cũng chiếm được”.
Nạn lấn chiếm đất đai ở KKT Nhơn Hội liên tục phát triển là do sự quản lý quá lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Khi thôn phát hiện báo lên xã, xã nói phải báo cáo bằng văn bản, thôn về làm văn bản thì nhà cất xong, thế là xã báo cáo lên huyện... chờ xử lý. Mặt khác, một số vị lãnh đạo địa phương do quen biết bà con họ hàng với người vi phạm nên xử lý thiếu kiên quyết, đa số chỉ lập biên bản vi phạm ghi nhớ rồi để đó, còn xử lý thế nào báo cấp trên, tiến hành cưỡng chế thì sợ vướng, đụng...
Đã đến lúc nạn lấn chiến đất đai KKT Nhơn Hội cần được giải quyết một cách rốt ráo và triệt để.
|