Theo Chỉ thị số 23 ngày 12.7.2006 của Thủ tướng Chính phủ thì các trường học phải bố trí cán bộ y tế chuyên trách theo định biên và phải bảo đảm chế độ, điều kiện làm việc cho họ đồng thời phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác y tế trường học. Thế nhưng, hiện nay đội ngũ cán bộ y tế trường học ở tỉnh ta đang được “hưởng” một chế độ không biết được xếp vào loại chế độ gì so với các quy định của Nhà nước.
Chẳng nói ở đâu xa, ngay tại TP. Quy Nhơn, từ nhiều năm nay, các nhân viên y tế trường học các trường tiểu học và trung học cơ sở nhiều lần đã phải kêu cứu về cái chế độ kỳ lạ này. Anh chị em cho biết, hầu hết họ đã làm việc ở các trường học với chức trách là nhân viên y tế liên tục từ 8 đến trên 10 năm nay. Về nghĩa vụ thì “chế độ” dành cho họ khá nghiêm chỉnh: Ngày làm việc đủ 8 giờ, tuân thủ sự điều hành của lãnh đạo cả hai ngành giáo dục và y tế, tận tình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh… Thế nhưng, về quyền lợi thì “chế độ” dành cho họ chẳng giống ai cả: Chỉ hợp đồng lao động thời vụ, mức lương không ngạch, không bậc, cho đến nay chỉ được hưởng bình quân 350.000 đồng/tháng. Số tiền này trích từ 20% (có trường chỉ 17,5%) trên tổng số tiền mà cơ quan Bảo hiểm xã hội thu được của học sinh, trích lại cho nhà trường. Với “chế độ” này, đời sống của anh chị em rất khó khăn đã đành, nhưng quan trọng hơn là họ không yên tâm công tác, bởi càng làm việc, càng cống hiến họ lại thấy tương lai của mình càng mờ mịt.
Trước khi có Chỉ thị số 23 ngày 12.7.2006 của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Đặng Dư, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD-ĐT Bình Định thì năm 2004, Bộ GD-ĐT đã có chỉ thị về việc đưa nhân viên y tế trường học vào biên chế như cán bộ, giáo viên chính thức. Trả lời phóng viên Báo Bình Định (số ra ngày 20.6.2006), ông Dư còn cho biết văn bản này của Bộ GD-ĐT đã được gởi đến tất cả các trường học trong tỉnh, và trước mắt Sở sẽ giải quyết cho những trường hợp nhân viên y tế trường học đã công tác lâu năm trong ngành giáo dục.
Chính sách, chế độ do Chính phủ và Bộ GD-ĐT quy định đối với nhân viên y tế trường học như thế là khá rõ ràng, nhưng hiện nay, hàng loạt nhân viên y tế trường học đã công tác lâu năm trong ngành vẫn cứ kêu cứu về mức lương chết đói ba, bốn trăm ngàn mỗi tháng. Nói là lương, nhưng thật ra đây chỉ là khoản “trợ cấp” được trích ra từ quỹ bảo hiểm y tế do học sinh nộp, và ngay cả việc các trường học dùng khoản tiền này để chi “trợ cấp” cho nhân viên y tế trường học cũng sai. Theo ông Huỳnh Quang Trắc, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bình Định thì số tiền 20% trong tổng số doanh thu từ bảo hiểm y tế của học sinh, cơ quan bảo hiểm trích lại 20% để dùng vào việc mua trang bị, thuốc men phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh chứ không phải để trả lương cho nhân viên y tế trường học.
Trước việc thực hiện chế độ, chính sách một cách tùy tiện, vô lý nói trên, lời kêu cứu của anh chị em nhân viên y tế trường học là chính đáng. Đề nghị ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Y tế sớm có biện pháp khắc phục để anh chị em có thể yên tâm công tác lâu dài.
|