Lâu nay lãnh đạo ngành nông nghiệp các cấp từng khuyến cáo bà con nông dân cần chấm dứt “tập quán sạ chay” trên đồng ruộng. Thế nhưng những năm gần đây và vụ 3 năm 2007 này ở Hoài Ân có khoảng từ 20-30% diện tích ruộng vẫn còn sạ chay. Cách sạ chay là sau khi gặt lúa xong, nông dân phát rơm rạ rải đều trên mặt ruộng để đốt, sau đó đưa nước vào ngâm vài ba hôm rồi đem giống gieo sạ (ảnh).
Sạ như vậy lúc đầu khoảng chừng 10-15 ngày vì hút được lượng phân tro trên mặt đất nên cây lúa rất tốt. Nhưng khi lúa đến giai đoạn đẻ nhánh làm đòng thì bộ rễ gặp phải tầng đất cứng không phát triển được, cây lúa bắt đầu òi ọp, thân cây tong teo, lúa trổ ít bông cái, lại hay bị ngã non do bộ rễ bám cạn trên mặt đất. Thực tế năng suất ruộng sạ chay mất từ 30-40% so với diện tích ruộng cày nhuyễn đất rồi gieo sạ.
Nhiều nông dân biết rằng sạ chay đem lại hiệu quả không cao, nhưng họ vẫn làm. Bởi vì nông vụ cập thời, cần phải gieo sạ đúng lịch theo sự chỉ đạo của cấp trên. Nhưng khổ một nỗi là làm đất không kịp, vì máy cày của tư nhân ở các đội sản xuất không đủ, thôn nào có chỉ được một vài chiếc, cày không xuể 200-300 mẫu ruộng trong cùng một lúc. Làm đất không kịp nên nông dân đành sạ chay. Tuy nhiên cũng có một ít hộ cố tình muốn sạ chay để đơn giản việc làm, còn hiệu quả thế nào họ không cần biết đến.
Nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng người nông dân sạ chay trên đồng ruộng, đa số xã viên ở các HTX yêu cầu Nhà nước và ngành nông nghiệp cần có hướng chỉ đạo các BQL HTX nên mở thêm khâu dịch vụ làm đất phục vụ cho xã viên… Đây là nguyện vọng của người nông dân đã được phản ảnh đến các cấp, các ngành liên quan nhiều năm liền nhưng vẫn chưa đáp ứng được.
|