Những điểm mới trong đăng ký tạm trú, tạm vắng và khai báo tạm vắng
9:6', 22/8/ 2007 (GMT+7)

Theo Luật Cư trú, từ ngày 1.7.2007, người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình: Giấy CMND hoặc giấy tờ có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú, thậm chí có thể đăng ký lưu trú qua điện thoại. Luật Cư trú bảo đảm thông thoáng về thủ tục, nhưng chặt chẽ về pháp lý, kỷ cương và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

* Sổ tạm trú không xác định thời hạn

Theo Luật Cư trú, công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú. Cụ thể, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn, nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy CMND hoặc giấy tờ có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ giấy tờ nói trên, trưởng công an xã, phường, thị trấn phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an. Sổ tạm trú này có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn. Như vậy, về mặt pháp lý, sổ tạm trú được coi gần như sổ hộ khẩu.

* Có thể thông báo lưu trú qua điện thoại

Người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, học tập từ 6 tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xóa tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú. Lưu trú, theo quy định của Luật Cư trú, là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú. Như vậy khái niệm “tạm trú vãng lai” được thay đổi bằng khái niệm “lưu trú”. Sự thay đổi này nhằm phân biệt rõ khái niệm “lưu trú” với khái niệm “cư trú”. Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục đối với việc quản lý khách vãng lai đi thăm người thân, du lịch, chữa bệnh... và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Theo đó, người dân không phải làm thủ tục quá chặt chẽ như đăng ký thường trú, tạm trú, mà chỉ cần thông báo việc lưu trú với công an cấp xã bằng hình thức đến trực tiếp hoặc gọi điện thoại.

Việc thông báo lưu trú do gia đình, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ... thực hiện khi người đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú. Đây là bước cải tiến mới, đơn giản, thuận tiện hơn cho người dân. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ. Nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng hôm sau. Trường hợp ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, anh chị em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

* Một số đối tượng phải khai báo tạm vắng

Theo quy định cũ, tất cả mọi công dân từ 15 tuổi trở lên có việc riêng phải vắng mặt qua đêm khỏi quận, thành phố, thị xã, huyện nơi đang thường trú của mình đều phải khai báo tạm vắng. Nay, theo quy định của Luật Cư trú, chỉ còn một số đối tượng sau đây phải khai báo tạm vắng: Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ 1 ngày trở lên phải khai báo tạm vắng. Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên cũng có trách nhiệm khai báo tạm vắng.       

  • Cao Năm
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nóng bỏng nạn cò xe, bắt chẹt khách ở cầu Gành  (17/08/2007)
Phép nước thua… lệnh xã !  (15/08/2007)
Chính quyền xem nhẹ việc dân  (15/08/2007)
Môi trường Khu tái định cư Xóm Tiêu bị ô nhiễm  (15/08/2007)
Cần đặt “vòng xuyến” hướng dẫn giao thông tại ngã ba Đống Đa  (15/08/2007)
Quy định mới về thu lệ phí hộ tịch  (09/08/2007)
Bất chấp biển cấm, xe tải lớn vẫn chạy trên đường Xuân Diệu  (08/08/2007)
Đẹp nhưng chưa tiện  (08/08/2007)
Nhà nước cần giúp nhà nông  (08/08/2007)
Một khu dân cư kêu cứu vì nước giếng bị ô nhiễm nặng  (03/08/2007)
Tùy tiện, vô lý đến bao giờ ?  (03/08/2007)
Tiền tỉ đang bị lãng phí  (02/08/2007)
Đã sai lại còn đi kiện  (28/07/2007)
Bức xúc vì rác!  (28/07/2007)
Lãng phí hàng trăm triệu đồng, không ai chịu trách nhiệm ?  (27/07/2007)