Thêm một cổ thụ bị “tùng xẻo”
9:50', 16/1/ 2008 (GMT+7)

Gần Trường Mẫu giáo thuộc xóm Giữa, thôn Mỹ Bình, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát có cây lộc vừng (người dân địa phương gọi là cây giừng) cổ thụ theo bà con đã trên 100 năm tuổi, thân có đường kính khoảng 60cm. Hình ảnh cây lộc vừng này gắn liền với mấy thế hệ người dân địa phương, nên bà con, cho là tài sản quý của làng và cần phải giữ gìn. Thế nhưng vừa qua có người đến “tùng xẻo” định đưa đi nơi khác, nên người dân trong thôn quyết liệt ngăn cản dẫn đến xảy ra xô xát và gây thương tích.

 

Cây lộc vừng sau khi  bị “tùng xẻo”.

 

Ngày 9.1.2008, ông Nguyễn Ngọc Cường, là hội viên Hội Người cao tuổi (NCT), xưng danh đại diện Chi hội NCT của thôn viết giấy bán cây lộc vừng cho 2 ông Phan Đình Thọ và Nguyễn Ngọc Tích người cùng địa phương - để lấy 4 triệu đồng gọi là chi phí cho lợi ích công cộng. Phần cuối giấy bán cây có ghi: “Các cụ lớn tuổi và Ban nhân dân (BND) thôn đồng ý”. Kèm theo là lời phê của ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Thắng: “Đồng ý theo thống nhất của cán bộ quân dân chính thôn Mỹ Bình, bán cây lộc vừng lấy tiền tu sửa cầu Chùa cho nhân dân qua lại. Đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ khi vận chuyển”. Thế nhưng ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Mỹ Bình đã phản đối quyết liệt và thực tế cán bộ quân dân chính không ai đồng ý, ngoài một số ít người lấy danh nghĩa Hội NCT thôn Mỹ Bình.

Ngày 10.1.2008, một nhóm người mang theo ô-tô tải có BKS 76K 4415 và dùng dụng cụ đến chặt, đào cây. Cụ bà Phan Thị Bảy (81 tuổi) là mẹ liệt sĩ, nhà ở gần cây lộc vừng, đến khuyên giải: “Từ khi tui sinh ra cây này đã có sừng sững ở đây, nó là của chung của dân làng sao các chú đào đi đâu. Tui tặng 100 nghìn đồng (mới nhận tiền trợ cấp liệt sĩ - PV), bà con góp thêm 50 nghìn đồng nữa để các chú trả tiền thùng bia đang mua uống lỡ, chỉ mong các chú đừng đào cây lộc vừng đi”. Còn cụ Phan Hỷ (80 tuổi) ở xóm Giữa, thôn Mỹ Bình, dù bị đau bệnh đang nằm ở nhà nhưng khi nghe cây lộc vừng bị đào, cụ kêu con cháu dìu ra hiện trường để phân tích, nhằm bảo vệ cây lộc vừng. Nhưng tất cả đã bị bỏ ngoài tai, họ vẫn chặt hết nhánh cây lộc vừng và đào trốc gốc. .

Anh Đỗ Văn Dũng vì bảo vệ cây đã bị đánh trọng thương.

Khuyên can những người đào cây lộc vừng không có hiệu quả nên anh Đỗ Văn Dũng (SN 1975), và nhiều bà con đã ra ngăn cản. Thấy vậy, con trai của ông Phan Đình Thọ là Phan Minh Tuấn (Bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Bình), gọi một nhóm thanh niên lạ, dùng 2 xe máy mang theo hung khí đến “giúp sức” cho việc đào cây lộc vừng. Anh Đỗ Văn Dũng bị Tuấn và nhóm thanh niên trên đánh vào đầu và mặt, máu chảy đầm đìa nằm bất động dưới đất. Anh Đỗ Văn Đường (38 tuổi) chứng kiến sự việc, kể lại: “Tui đang giữ con trong nhà, nghe la nên chạy đến thì thấy Dũng nằm ngửa dưới đất, mặt đầy máu me, còn anh Đỗ Văn Đào thì chạy thục mạng do có một thanh niên dùng búa chặt rễ cây đuổi đánh”. Sự việc xô xát, đánh nhau đã được nhân dân cấp báo đến công an xã. Anh Phạm Thành, Trưởng Công an xã Cát Thắng, cho biết: “Khi xuống hiện trường tôi thấy anh Dũng bị thương vùng đầu và mặt, tôi lập tức cho anh Dũng đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Phù Cát. Tôi đã điện báo Chủ tịch UBND xã, Công an huyện xin đình chỉ không cho di chuyển cây lộc vừng đi nơi khác, chờ cấp trên xử lý”. Từ 17 giờ đến 21 giờ, dân chúng kéo đến phản đối ngày một đông, chính quyền xã thuyết phục mới vãn hồi trật tự.

Sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã để tìm hiểu, ông Thanh cho biết: “Xét thấy chi hội NCT thôn Mỹ Bình xin bán cây lộc vừng làm cầu, làm đường là chính đáng. Nhưng một số người dân cho rằng, cây này là của dân, mấy ông cụ ỷ lớn không thông qua dân. Tôi có xuống giải thích, cây này không ai trồng hết, việc bán cây lấy tiền để sửa cầu, làm đường cho bà con đi là việc làm chính đáng”. Còn ông Nguyễn Hữu Thiện, trưởng thôn Mỹ Bình thì cho rằng: “Ông Cường cứ quyết tâm bán cây lộc vừng, mặc dù tôi yêu cầu việc này phải thông qua dân. Nếu Chủ tịch UBND xã không ký giấy cho bán cây thì không ai dám đào, vụ việc đáng tiếc sẽ không xảy ra”.

Được biết, trong khi chờ đợi sự giải quyết của UBND xã và các cơ quan chức năng, để bảo quản và gìn giữ cây lộc vừng (đã bị đào trốc gốc), bà con đã góp tiền thuê người dịch chuyển đem trồng tạm tại Trường Mẫu giáo của thôn.

  • Ngọc Diên - Xuân Thức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Góp ý về phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch  (15/01/2008)
Nông dân Phước Hòa khó khăn do không có đất sản xuất  (11/01/2008)
Không nên để một người như vậy trong môi trường giáo dục  (11/01/2008)
Cần bảo vệ bờ sông Kim Sơn  (10/01/2008)
Làm xấu hình ảnh của người thầy và môi trường sư phạm  (10/01/2008)
Cán bộ xâm phạm đất đai, phường làm ngơ  (09/01/2008)
Về việc lưu hành xe tự chế của thương binh, người khuyết tật sau ngày 1.1.2008  (09/01/2008)
Cháu Nguyễn Văn Thiều đã được hỗ trợ trên 17,7 triệu đồng  (09/01/2008)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (04/01/2008)
Một hộ làm mắm, cả xóm kêu trời!  (04/01/2008)
Làm vỉa hè ở Quy Nhơn cần đồng bộ và chất lượng hơn  (03/01/2008)
Công trình di tích lịch sử 300 ngày chuyển quân tập kết nên đặt ở đâu ?  (03/01/2008)
“Loạn” rượu Bàu Đá… pha màu  (02/01/2008)
Về việc đăng ký và lưu hành mô tô và xe gắn máy ba bánh  (31/12/2007)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (28/12/2007)