Người làm ruộng lại không được… cày ruộng(!)
9:50', 18/1/ 2008 (GMT+7)

Xã viên phải mắc điện, tự đóng giếng để tưới ruộng, nhưng phải nộp tiền thủy lợi phí đầy đủ.

Vừa qua mấy chục hộ dân ở xóm Phước Chánh 1, thôn An Hòa 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước có đơn phản ảnh việc HTXNN 1 Phước An có nhiều sai sót trong khâu dịch vụ thủy lợi và cày ruộng cho xã viên, dẫn đến năng suất trồng lúa của các hộ xã viên thấp, chi phí sản xuất cao và người dân không chủ động được thời vụ.

Xã viên xóm Phước Chánh 1 bức xúc nhất là việc quan liêu trong dịch vụ cung cấp nước tưới ruộng của HTXNN 1 Phước An. Tổng diện tích ruộng lúa của Phước Chánh 1 là 23 ha. Chiều dài dẫn thủy từ Trạm bơm An Trạch đến ruộng lúa khoảng 3 km. Theo phản ảnh của xã viên, nhiều năm nay HTXNN 1 Phước An quản lý thu thủy lợi phí rất sòng phẳng đối với bà con xã viên, ai chậm nộp sẽ bị chế tài như cắt điện sản xuất, điện sinh hoạt … nên ai cũng chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, bà con xã viên rất kêu ca về việc cung cấp nguồn nước tưới của HTX. Ngoài vụ Đông Xuân, nhờ nguồn nước thiên nhiên nên ít gặp khô hạn hơn, còn vụ Hè Thu luôn luôn thiếu nguồn nước, 2/3 diện tích phải tự đào giếng, đóng giếng để bơm nước, phải mất tiền điện và thuê máy bơm, …. Thế nhưng, HTX vẫn thu đủ theo mức thu thủy lợi phí (từ năm 2007 trở về trước) với 3 mức: ruộng tự chảy thu phí 35.000đ/sào/vụ, ruộng bán chuyên tát thu phí 29.000đ/sào/vụ và ruộng chuyên tát thu phí 22.000đ/sào/vụ. Gần đây, 8 ha lúa gieo sạ trà đầu vụ Đông Xuân HTX bị chậm nước 1 tháng, dẫn đến ảnh hưởng năng suất vụ mùa, xã viên phải tự bơm nước để gieo sạ. Nghịch lý hơn, trong khi Nhà nước đang có chủ trương không thu thủy lợi phí, thì bắt đầu từ năm 2008, không những xã viên không được miễn, giảm thủy lợi phí mà  HTXNN 1 Phước An lại tăng thủy lợi phí lên 20%.

Bức xúc thứ hai là việc khoảng 260 hộ dân ở 3 xóm Phước Chánh 1, Phước Chánh 2 và Phước Hải, thuộc thôn An Hòa 2 là khoảng 10 năm nay bà con không được chủ động cày trên ruộng của mình. Sở dĩ có chuyện oái ăm này là do HTX tham gia quản lý chặt chẽ dịch vụ máy cày, mặc dù HTX không có chiếc máy cày nào(!) HTXNN 1 Phước An quy định, các chủ máy cày muốn hoạt động cày thuê trên cánh đồng của HTX thì phải đăng ký để HTX phân bổ diện tích đồng ruộng theo từng khu vực; đương nhiên HTX được hưởng khoản quản lý phí 1.000đ/sào/vụ.

Theo quy định của HTXNN 1 Phước An, tiền cày thuê ruộng cho xã viên là 28.000đ/sào, nhưng thực tế các chủ máy cày thu có khi lên đến 40.000đ/sào, và chất lượng cày có lúc đạt, có lúc rất cẩu thả. Vô lý nhất là nếu xã viên có việc bận, cần cày sớm hơn một vài hôm hoặc muốn cày trước để đất ải cũng không được, mà phải tùy thuộc vào chủ máy cày được HTX phân đối với vùng ruộng đó. Có khi máy cày bị hư cả chục ngày thì xã viên cũng phải chờ, dẫn đến tình trạng “giống phải chờ ruộng”(!) Bà con muốn thuê máy cày nơi khác đến cày thì sẽ bị ngăn cản bằng nhiều hình thức, nên không ai dám nhận. Ông Lê Văn Cận (81 tuổi), một lão nông tri điền của thôn An Hòa 2, bức xúc: “Cả đời tôi gắn với đồng ruộng, nhưng chưa thấy lúc nào làm ruộng khó khăn như lúc này. Mặc dù khoa học kỹ thuật đã giúp cho bà con khỏi nhọc nhằn trong cày cấy, nhưng cách quản lý, điều hành của HTXNN 1 Phước An làm cho công việc thêm rối rắm, chúng tôi bị động trong thời vụ, dẫn đến năng suất thấp, thậm chí lỗ đậm”. Do xã viên phải chịu nhiều chi phí vật tư như giống, phân, thuốc trừ sâu, diệt cỏ; lại chịu thêm các khoản thủy lợi phí, thuê máy bơm, tiền điện bơm nước, bồi dưỡng người mắc điện... và thuê máy cày giá cao, nên đa số xã viên muốn trả ruộng, vì sản xuất không hiệu quả.

Giải quyết khiếu nại của xã viên vào đêm 2.1.2008, thường trực Ban quản trị và cấp ủy HTX đã nhận khuyết điểm, hứa khắc phục đối với dịch vụ cung cấp nước tưới. Ngày 14.1, ông Trần Ngọc Tấn- Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã, nguyên Chủ nhiệm HTXNN 1 Phước An, cho biết: “Việc phản ảnh của bà con xã viên phần lớn là đúng. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo HTX chấn chỉnh. Tuy nhiên, có những việc HTX không có chủ trương, như: tiền bồi dưỡng người mắc điện máy bơm, thu tiền thuê máy cày cao hơn so với mức quy định… là do thỏa thuận của xã viên và những người cung cấp dịch vụ”. Cũng theo ông Tấn, việc xóa bỏ khoản thu thủy lợi phí hiện HTX chưa thực hiện được, vì nguồn nước tự nhiên của vùng này không đáp ứng đủ cho sản xuất, HTX phải bơm từ sông nên phải thu tiền làm dịch vụ; việc tăng 20% thủy lợi phí vì HTX mùa nào cũng lỗ khi thực hiện dịch vụ này; nếu sau này có khoản hỗ trợ của huyện, tỉnh thì HTX sẽ tính toán hoàn trả lại cho xã viên. Lãnh đạo xã Phước An cũng đồng tình với nguyện vọng của xã viên, là nên để cho xã viên tự lo việc thuê máy cày, nhưng phải đăng ký khoanh vùng để HTX chủ động nguồn nước.

Những phản ảnh, đề nghị của bà con xã viên HTXNN 1 Phước An là hết sức chính đáng, mong chính quyền xã Phước An và huyện Tuy Phước cần kiểm tra, chấn chỉnh để người làm ruộng được chủ động cày ruộng và sống được với mảnh ruộng của mình.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (18/01/2008)
Để thẻ ATM trở thành tiện ích cho mọi người  (18/01/2008)
Thủ tục và điều kiện kiểm định như thế nào?  (18/01/2008)
Hãy cẩn trọng với khuyến mãi giả hiệu  (17/01/2008)
Thêm một cổ thụ bị “tùng xẻo”  (16/01/2008)
Góp ý về phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch  (15/01/2008)
Nông dân Phước Hòa khó khăn do không có đất sản xuất  (11/01/2008)
Không nên để một người như vậy trong môi trường giáo dục  (11/01/2008)
Cần bảo vệ bờ sông Kim Sơn  (10/01/2008)
Làm xấu hình ảnh của người thầy và môi trường sư phạm  (10/01/2008)
Cán bộ xâm phạm đất đai, phường làm ngơ  (09/01/2008)
Về việc lưu hành xe tự chế của thương binh, người khuyết tật sau ngày 1.1.2008  (09/01/2008)
Cháu Nguyễn Văn Thiều đã được hỗ trợ trên 17,7 triệu đồng  (09/01/2008)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (04/01/2008)
Một hộ làm mắm, cả xóm kêu trời!  (04/01/2008)