Lâu nay, khách các nơi khác đến Quy Nhơn thường chê thành phố của chúng ta khá bẩn, rác thải trên đường phố quá nhiều, nhất là ở bãi biển. Trước tình trạng này có người cho là lực lượng công nhân vệ sinh làm việc không hiệu quả. Nhưng theo tôi thì nguyên nhân không phải thế. Tôi được biết, hiện thành phố có đến 500-600 chị em công nhân vệ sinh, họ bắt đầu ngày làm việc từ 2 giờ rưỡi, 3 giờ sáng, kể cả những ngày mưa rét. Sáng sớm, lúc 5,6 giờ mọi người thức dậy ra đường đã thấy đường phố khá tươm tất, sạch sẽ. Nhưng khoảng 9-10 giờ đến chiều tối thì đâu lại vào đấy, rác - đủ loại rác lại tung tóe khắp các ngả đường.
|
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn thu gom rác trên bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu
|
Vậy thì nguyên nhân ở đâu?
Theo tôi, có 5 nguyên nhân chính:
Một là, công tác tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn minh của xã hội ta còn quá ít ỏi. Điều này thấy rõ nhất là ở trong trường học. Trong chương trình học từ tiểu học đến THPT thể hiện ở môn Giáo dục công dân rất ít chú trọng tới việc xây dựng lòng tự trọng sống văn minh của giới trẻ, vì thế giới trẻ và sau này khi lớn lên chẳng mấy người ý thức được rằng xả rác bừa bãi là một hành vi đáng lên án. Mặt khác, chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường đã gần 10 năm nay, nhưng nếu làm một cuộc điều tra, thử hỏi có bao nhiều phần trăm dân chúng nắm được những nội dung chủ yếu của Luật này?
Hai là, cả nước nói chung và Quy Nhơn nói riêng không có lực lượng bảo vệ vệ sinh đường phố chuyên trách. Luật pháp hiện nay trao quyền này cho Chủ tịch UBND các cấp phường, xã nhưng hiện nay cấp phường, xã đã cực kỳ quá tải với hàng núi công việc về thủ tục hành chính, không còn thời gian tổ chức tuần tra xử phạt hành vi xả rác. Vì vậy, người dân cứ vô tư xả rác mà chẳng có ai nhắc nhở, ngăn chặn, xử lý.
Ba là, mức xử phạt hiện nay quá thấp. Xả rác, đổ nước thải ra đường chỉ bị xử phạt trung bình 50.000 đồng/ lần là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Ở Singapore và nhiều nước khác, hành vi này có thể bị xử phạt đến hàng trăm đô la, thậm chí có thể bị bỏ tù, nhờ thế cả đất nước của họ khó tìm đâu ra một mẩu rác ngoài đường phố.
Bốn là, cơ chế đối với người làm công tác tuần tra, xử lý hành vi xả rác không tạo được sự kích thích. Người làm công tác này hết sức cực nhọc, thậm chí nhiều lúc còn bị chửi bới, đe dọa nhưng thu nhập quá thấp nên không ai muốn đi. Nếu bắt buộc phải đi thì chỉ làm cho có lệ.
Năm là, hiện nay ở các thành phố, trong đó có Quy Nhơn tình trạng lấy vỉa hè, lòng đường, công viên, bãi biển… làm nơi buôn bán khá phổ biến. Đây là nguồn xả rác bừa bãi có thể nói là lớn nhất đối với đường phố hiện nay.
Xác định được 5 nguyên nhân nói trên là 5 nguyên nhân chính làm cho thành phố Quy Nhơn bẩn thì các nhà quản lý đô thị có thể tìm ra giải pháp khắc phục. Có giải pháp nằm trong tầm tay của chính quyền thành phố như cần có kế hoạch, phương án kiên quyết ngăn chặn (theo lộ trình) tình trạng chiếm vỉa hè, lòng đường, công viên, bãi biển… làm nơi buôn bán. Chỉ một giải pháp này thôi - cùng với nỗ lực của Công ty Môi trường đô thị như hiện nay, tôi tin rằng đường phố Quy Nhơn sẽ sạch hơn, đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo cho thành phố sạch đẹp, chính quyền thành phố cần kiến nghị với tỉnh, với Trung ương và ngành giáo dục có giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho giới trẻ và cho cả người lớn; nâng mức xử phạt hành vi xả rác lên cao gấp nhiều lần để đủ sức răn đe; có quy định về lực lượng bảo vệ vệ sinh đường phố chuyên trách và cơ chế phù hợp đối với lực lượng này…
|