Do chưa có nhà ở và đang lúc quỹ tín dụng thanh lý nhà và đất do chú ruột mình thế chấp; người cháu đã mua lại tài sản này. Nhưng, do thủ tục phát mãi của quỹ tín dụng qua loa đại khái, người mua cũng không am hiểu pháp luật, thiếu thận trọng về khâu thủ tục, dẫn đến “thiệt đơn, thiệt kép”.
|
Một số phụ nữ thuộc gia đình ông Chức đang chửi bới và ngăn cản việc cưỡng chế THADS. Ảnh: N.Diên
|
* Sai từ khâu phát mãi tài sản thế chấp
Năm 1993, ông Phạm Thi, ở thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân thế chấp ngôi nhà và đất ở để vay Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Phú Cường (Hoài Ân) 23 triệu đồng. Năm 1995, do làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho Quỹ TDND Phú Cường và một số chủ nợ khác nên ông Phạm Thi bỏ đi nơi khác làm ăn. Ngày 18.9.1995, Quỹ TDND Phú Cường lập biên bản thanh lý bán nhà và đất ở của ông Phạm Thi cho ông Phạm Văn Chức, cháu gọi ông Thi bằng chú ruột với giá 3 triệu đồng. Năm 2005, sau khi làm ăn ổn định ông Phạm Thi về trả nợ cho Quỹ TDND Phú Cường và yêu cầu nhận lại tài sản thế chấp. Do việc thanh lý tài sản không được sự đồng ý của ông Thi, nên Quỹ TDND Phú Cường bị ông Phạm Thi khởi kiện dân sự, đòi lại tài sản thế chấp.
Điều đáng nói là thủ tục thanh lý tài sản của ông Phạm Thi do Quỹ TDND Phú Cường thực hiện trái với quy định của pháp luật. Theo biên bản thanh lý bán nhà của ông Phạm Thi giữa Quỹ TDND Phú Cường và ông Phạm Văn Chức, ngoài văn bản viết tay do hai bên xác lập ra không còn một văn bản nào khác mang tính pháp lý, không phù hợp về mặt hình thức đối với tài sản là bất động sản nên đây là giao dịch dân sự vô hiệu, theo đó các bên phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã giao và đã nhận. Cụ thể, ông Phạm Văn Chức phải trả lại nhà và đất đã mua của Quỹ TDND Phú Cường, để Quỹ này trả lại cho sở hữu chủ là ông Phạm Thi, còn ông Phạm Thi phải trả lại khoản tiền trên cơ sở tính lãi suất theo quy định. Trong giao dịch dân sự vô hiệu giữa ông Chức và Quỹ TDND, còn thể hiện một cam kết bất lợi cho ông Chức, đó là: “… Sau này ông Phạm Thi có về, cần ngôi nhà này để ở thì ông Phạm Thi sẽ hoàn trả số tiền mua và theo lãi suất của Quỹ TDND…”.
Ngày 14.9.2006, TAND huyện Hoài Ân đã xét xử vụ án dân sự, tuyên bố giao dịch dân sự “thanh lý bán nhà của Phạm Thi” là vô hiệu; buộc ông Chức phải trả ngôi nhà và đất ở mà ông đã mua của Quỹ TDND cho ông Phạm Thi, trong thời gian 6 tháng kể từ ngày tuyên xử. Buộc ông Thi phải hoàn trả cho ông Chức 13.460.000 đồng (tiền mua nhà 3 triệu đồng, lãi suất 132 tháng x 2,6%). Số tiền ông Phạm Thi còn nợ Quỹ TDND Phú Cường được giải quyết bằng một vụ án dân sự khác.
* Không chấp hành án, “thiệt đơn, thiệt kép”(!)
Ông Chức không muốn trả lại nhà cho người chú ruột để nhận lại khoản tiền “khiêm tốn” theo lãi suất tín dụng. Tuy nhiên, khi án có hiệu lực thi hành ông Chức không còn cách nào khác là phải chấp hành quyết định thi hành án dân sự (THADS). Đến ngày 14.3.2007 là thời điểm mà ông Chức phải trả nhà cho ông Thi, nhưng ông Chức viện lý do chưa có chỗ ở nên đề nghị cho kéo dài thêm 5 tháng (đến ngày 15.8.2007); trong khi đó ông Phạm Thi đã tự nguyện THA dứt điểm theo án tuyên. Được sự đồng ý của ông Thi, ông Chức được kéo dài thêm thời hạn giao nhà. Thế nhưng hết thời gian gia hạn, gia đình ông Chức vẫn không giao tài sản cho gia đình ông Thi.
Ngày 20.8.2008 THADS huyện Hoài Ân đã tổ chức cưỡng chế THA đối với gia đình ông Chức, bằng biện pháp đưa người và toàn bộ tài sản của gia đình ông Chức ra khỏi căn nhà đang ở để tiến hành giao nhà, đất ở cho ông Thi. Hội đồng cưỡng chế đã giải thích pháp luật về THADS cho gia đình ông Chức trước khi thực hiện cưỡng chế. Ông Chức xin để gia đình ông tự vận chuyển tài sản, vật dụng ra khỏi nhà. Trong quá trình vận chuyển tài sản ra ngoài, mẹ, vợ và người thân khác trong gia đình ông đã chửi bới, xúc phạm Hội đồng cưỡng chế và người được thi hành (ông Thi). Khi tài sản và vật dụng được gia đình ông Chức chuyển ra ngoài sân (trước đó ông Chức đã che bạt sẵn), ông Chức định để luôn ở đây; buộc lòng lực lượng cưỡng chế phải liệt kê, niêm phong tài sản và mang đến địa điểm đã hợp đồng gởi giữ. Lúc này mẹ, vợ, em của ông Chức đã dùng dao, rựa dọa hành hung lực lượng cưỡng chế. Bị lực lượng bảo vệ khống chế, bà Nguyễn Thị Chín, mẹ của ông Chức đã dùng chén ăn cơm tự đập vào đầu gây chảy máu, được xe cứu thương đưa đi cấp cứu. Cho đến chiều cùng ngày, việc cưỡng chế THADS đối với gia đình ông Chức mới kết thúc.
Trong vụ việc này, lỗi hỗn hợp giữa Quỹ TDND Phú Cường và ông Chức, nhưng ông Chức mới là người gánh chịu thiệt hại. Đã vậy, sau khi án có hiệu lực, gia đình ông không tự nguyện chấp hành, đã có những hành vi chống đối THADS, nên phải chịu các khoản chi phí cưỡng chế khoảng 5 triệu đồng và có thể còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
|