MỘT VỤ KHIẾU NẠI ĐẤT ĐAI KÉO DÀI Ở HOÀI ÂN:
Chính quyền cần có hướng xử lý dứt điểm
15:7', 20/10/ 2008 (GMT+7)

* Điều tra của Ngọc Diên

Một hộ nông nghiệp đang sống trên mảnh đất do cha mẹ để lại, nhưng thửa đất này đã được HTXNN quy hoạch giải tỏa nhà ở để làm ruộng lúa. Không thỏa mãn với việc bố trí đất ở mới, khoảng 20 năm nay, hộ này đã kiên trì khiếu nại nhưng vụ việc chưa được xử lý dứt điểm.

 

Vợ chồng ông Đức và 2 con nhỏ đang tá túc “bất hợp pháp” trên nền nhà cũ của cha mẹ để lại. Ảnh: N.D

 

* Nhà hư hỏng nhiều năm không được sửa chữa

Ông Nguyễn Thiện Đức (1956), ở xóm 1, thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ (trước thuộc xã Ân Phong), huyện Hoài Ân gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng về việc chính quyền địa phương không cho gia đình ông xây nhà ở trên thửa đất đã ở liên tục 3 đời. Thửa đất khoảng 500 m2 mà ông Đức có khiếu nại, trước đây cha mẹ ông Đức sinh sống, có nhà cửa và cây ăn trái. Năm 1978, ông Đức đi bộ đội (tham gia chiến trường K). Năm 1982 HTXNN Ân Phong II lập quy hoạch khu đất của gia đình ông đang ở thành ruộng lúa liên thửa. Thế nhưng, do HTXNN Ân Phong đền bù không thỏa đáng, nên việc giải quyết chỗ ở cho gia đình ông không thành. Năm 1983, ông Đức được giải ngũ về lại địa phương, là thương binh 4/4, sống tại ngôi nhà cũ cùng với mẹ của ông.

Dù ngôi nhà cũ đã dột nát, đổ sập nhiều nơi, nhưng gia đình ông Đức vẫn không được chính quyền cho phép sửa chữa nhà. Sau này, chỗ ở của ông thuộc địa phận hành chính của thị trấn Tăng Bạt Hổ, thì tình trạng nhà cửa của ông Đức vẫn không được giải quyết. Tháng 10.2005, sau trận mưa lớn ngôi nhà của ông Đức không trụ nổi, mái ngói đổ nhào và vách đất cũng rệu rã. Gia đình ông Đức, gồm 2 vợ chồng và 5 đứa con không dám ở, đành che tấm bạt làm chòi để tá túc. Quá bức xúc chỗ ở, tháng 12.2005 ông Đức đã xây dựng nhà tạm có diện tích 35 m2 (7 m x 5 m), thì bị UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ lập biên bản vi phạm hành chính về việc xây dựng nhà trái phép (lúc này mới bắt đầu làm phần móng).

Một số người dân sống cùng thôn xóm của ông Đức, như: ông Phạm Bài (76 tuổi), ông Nguyễn Đàng (60 tuổi), ông Hà Bồi (65 tuổi), ông Nguyễn Hường (62 tuổi), ông Hà Nam (65 tuổi),… đều tỏ ra cám cảnh đối với gia đình ông Đức và có cùng suy nghĩ: Việc quản lý ruộng đất trước đây do HTXNN đảm nhiệm, do chủ trương quy hoạch ruộng lúa liên vùng, liên thửa dẫn đến đất nhà ở của cha mẹ ông Đức bị đưa vào diện quy hoạch. Tuy nhiên, đã mấy chục năm trôi qua mà không thực hiện được, bây giờ ruộng đất đã khoán cho các hộ cá thể, nên việc quy hoạch đất ở của gia đình ông Đức thành ruộng lúa là không cần thiết. Chính quyền cần áp dụng chính sách pháp luật một cách có tình, có lý để gia đình ông Đức có thể thoát được cảnh sống tạm bợ.

* Cơ quan chức năng và chính quyền nói gì?

Tiếp xúc với ông Nguyễn Hồng Vân - Chủ tịch UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ, chúng tôi được ông Vân giải thích: Việc quy hoạch giải tỏa nhà ở, đất ở của hộ gia đình ông Đức đã được HTXNN Ân Phong II thực hiện tính toán đền bù từ năm 1985 cho 2 hộ gia đình là anh và em ruột ông Đức. Anh ruột ông Đức là Nguyễn Văn Tổng được đền bù, ký nhận 450 đồng; em ruột là Nguyễn Văn Đắc ký nhận 370 đồng. Sau khi nhận đền bù, ông Tổng và ông Đắc đã tháo dỡ nhà, giao đất cho nhà nước quản lý. Năm 1992 ông Đức đến chiếm đất làm nhà quán trái phép. Địa phương đã nhiều lần buộc tháo dỡ, nhưng ông Đức là một thương binh mà không gương mẫu, chấp hành, cố tình dây dưa cho đến nay. Chính quyền sẽ không giải quyết yêu cầu xác nhận để xin cấp GCNQSDĐ và không cho phép xây dựng, sửa chữa nhà đối với thửa đất mà gia đình ông Đức đang chiếm.

Ông Lê Hồng Chiêm - Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Ân, chính thức trả lời bằng văn bản: Sở dĩ gia đình ông Đức không được phép sửa chữa, xây dựng nhà kiên cố là do thửa đất ông đang ở thuộc đất quy hoạch ruộng lúa. Theo khoản 4, điều 50 của Luật Đất đai, thì mặc dù ông Đức đã sử dụng đất trước ngày 15.10.1993, nhưng nay không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nên không được xem xét cấp GCNQSDĐ tại vị trí này. Gia đình ông Đức có bức xúc về nhà ở, đề nghị ông Đức đến liên hệ với UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ để được hướng dẫn làm thủ tục xin giao đất tại vị trí khác.

Không đồng ý với giải thích trên của chính quyền và cơ quan chức năng, ông Đức tiếp tục khiếu nại và vẫn ở tạm trên thửa đất mà ông cho là do cha mẹ ông để lại.

Chúng tôi cho rằng việc quy hoạch của HTXNN Ân Phong II từ năm 1982 là một chủ trương đúng của địa phương lúc bấy giờ nhưng chính quyền địa phương lúc bây giờ xử lý không kiên quyết, nếu gia đình của bà Kiện và con trai là ông Đức có hành vi chiếm dụng đất, xây cất nhà, quán trái phép thì phải xử lý một cách rốt ráo, thì vụ việc sẽ không kéo dài cho đến bây giờ. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đưa ra hướng xử lý một cách chính thức, theo đúng Luật Khiếu nại, tố cáo; không nên trả lời khiếu nại của ông Đức bằng miệng hoặc các hình thức văn bản khác, mà bằng quyết định giải quyết khiếu nại, nếu ông Đức chưa thỏa mãn thì có thể khiếu nại đến cơ quan cấp trên.

  • N.D
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (17/10/2008)
Nhà trong rốn lũ  (17/10/2008)
Cắm chông trên đồng ruộng !  (17/10/2008)
Vì sao dây dưa, kéo dài?  (15/10/2008)
Cái giá đắt của một giao dịch dân sự vô hiệu  (15/10/2008)
Dân “kêu trời” vì công trình treo!  (13/10/2008)
Vì sao làng K8 vẫn chưa có điện ?  (13/10/2008)
Ai bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cụ Lăng?  (09/10/2008)
Giải quyết tranh chấp một cách ngang ngược  (08/10/2008)
Bao giờ thầy Nguyên được… “thương” trẻ thất học?  (07/10/2008)
Nhiều uẩn khúc cần được làm sáng tỏ  (03/10/2008)
Trách nhiệm thuộc về PMU 18!  (02/10/2008)
Sẽ chấn chỉnh việc “Chưa trả hết nợ, chưa ký hồ sơ nhập học”  (01/10/2008)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (28/09/2008)
Núi Huỳnh Mai đang bị xâm hại  (19/09/2008)