|
HS sáng học chính khóa, chiều học thêm tại trường, tối học thêm tại nhà GV... đâu còn thời gian để tự học. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: N.Q |
Anh bạn có con đang học ở một trường THCS có tiếng ở TP Quy Nhơn than: “Con mình là học sinh (HS) giỏi nhiều năm liền ở bậc tiểu học. Vậy mà, mới chuyển cấp lên THCS đã tỏ ra “hụt hơi”, làm bài kiểm tra 1 tiết chỉ được 2 điểm. Căn vặn hỏi, cháu kể: Thầy giáo ở trên lớp dạy rất nhanh, con đã cố gắng nhưng không sao hiểu được bài. Các bạn trong lớp, muốn hiểu bài phải đi học thêm. Bạn nào học thêm thì điểm mới cao…. Tôi là người không tán thành với chuyện học thêm, dạy thêm nhưng trước thực trạng này, buộc phải “nhân nhượng”. Và, quả thật, sau một thời gian cho con đi học thêm tại nhà giáo viên, con tôi đã “tiến bộ” trông thấy. Bằng chứng là bài kiểm tra sau, cháu đã được điểm 9…
Học thêm, dạy thêm có thật sự là nhu cầu của xã hội? Báo chí đã phân tích khá nhiều, tôi không muốn luận bàn. Chỉ muốn nói đến thực trạng dạy thêm (tại nhà giáo viên và cả trong nhà trường), có lẽ đang ở mức “tràn lan”, không kiểm soát được ở TP Quy Nhơn mà phụ huynh HS đã “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng. Hiện tượng giáo viên đứng trước lớp hoặc nhờ lớp trưởng kêu gọi HS của mình về nhà học thêm đã không còn là chuyện cá biệt. HS nào không chịu đi học thêm thì phải trả lời cho được câu hỏi: Tại sao không đi học thêm? Thậm chí có trường phổ thông, hiệu trưởng còn bắt phụ huynh HS phải cam kết với nhà trường không thi rớt tốt nghiệp nếu không muốn tham gia vào các lớp dạy thêm do nhà trường tổ chức. Tình trạng HS sáng học chính khóa, chiều học thêm tại trường, tối học thêm tại nhà giáo viên đang là nỗi “nhức nhối” trong nhiều phụ huynh HS vì lo lắng cho sức khỏe, thời gian của con cái bị “chiếm đoạt” một cách bất công. Hơn nữa, HS phải học suốt ngày, suốt đêm không còn thời gian để tự học, trong khi tự học luôn được các nhà nghiên cứu giáo dục và thực tế cuộc sống chứng minh đây là cách học tốt nhất để chiếm lĩnh, tiếp thu kiến thức một cách sâu, chắc nhất.
Một số học sinh cho biết: Bạn nào mà đi học thêm thì sẽ được biết trước câu hỏi dò bài miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết. Lên lớp có đùa giỡn, nói tục một chút cũng không sao. Mỗi lần kiểm tra là có điểm 9, điểm 10 ngay… Ngược lại, những HS không đi học thêm thì thế nào cũng bị “chiếu tướng”, kiểm tra không bao giờ trên điểm 8…. Đáng sợ hơn, còn là thái độ “vô tư” của HS: “Cần gì phải học cho mệt. Chỉ cần đi học thêm tại nhà thầy cô là có điểm cao ngay thôi!”.
Mong sao ngành GD-ĐT sớm chấn chỉnh những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm của một số giáo viên, giúp cho một bộ phận HS đang phải đi học thêm một cách “tự nguyện… bắt buộc” có được những giờ phút thư thái của “tuổi ăn, tuổi lớn” để phát triển một cách toàn diện. Đây cũng là để thực hiện tốt hơn cuộc vận động lớn trong ngành “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với tình trạng HS “ngồi nhầm lớp” và vi phạm đạo đức nhà giáo”.
(Phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) |