Trong suốt chiều dài lịch sử 5 thế kỷ (XI - XV) và cho đến nay, tộc người Chăm ở Bình Định đã dựng xây nên một nền văn hóa vô cùng phong phú, trong đó đặc biệt phải kể đến đó là hệ thống tháp Chăm được xây dựng dọc khắp chiều dài của tỉnh.
|
Tháp Bánh Ít. Ảnh: Bá Phùng
|
Tháp Chăm là một loại hình kiến trúc tôn giáo chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ được người Chăm tiếp thu và xây dựng. Tháp Chăm có quy mô không lớn được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu gạch, với mô hình kiến trúc riêng, kỹ thuật riêng độc đáo và được chạm khắc những hoa văn như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Căn cứ theo hình thức mà chúng ta hay gọi kiến trúc đó là “tháp”, nhưng người Chăm thì gọi chúng là “Kalăn”, có nghĩa là “lăng”. Bởi vì hầu hết chúng đều mang tính chất lăng mộ thờ Vua. Ngoài chức năng này, tháp Chăm còn là đền thờ thần bảo trợ cho nhà Vua. Chính vì thế đa số các tháp Chăm đều có ý nghĩa rất linh thiêng và gần như trong bất cứ một ngôi tháp nào cũng thường có vật thờ hoặc tượng thờ. Nhưng đối với các tháp Chăm ở Bình Định hiện nay đại đa số các vật thờ, tượng thờ đã bị mất, làm cho các tháp mất dần đi phần nào sự tôn nghiêm và linh thiêng vốn có. Hơn thế nữa, hiện nay số người Chăm ở Bình Định không còn nhiều và các tháp Chăm không còn là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của người Chăm nữa. Chính sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của con người đã làm cho các tháp Chăm xuống cấp trầm trọng. Thêm vào đó, lòng tháp được xem là nơi tôn nghiêm, hành lễ, thờ tự thì lại trở thành nơi cư ngụ của dơi và hàng ngày chúng thải một lượng phân không nhỏ - gây nên mùi rất hôi thối. Nếu trước kia lòng tháp là nơi linh thiêng, các tín đồ chỉ dám đứng ngoài cầu nguyện và không dám bước chân vào thì nay mọi người không dám vào vì mùi hôi thối của phân dơi chứ không phải vì sự thiêng liêng của tháp.
Là một hướng dẫn viên du lịch, có dịp tiếp xúc nhiều với khách du lịch, điều mà tôi nhận được đó là sự tiếc nuối: “Tháp Chăm ở Bình Định rất đẹp và nguyên vẹn nhưng thật đáng tiếc là các bạn chưa biết cách khai thác chúng một cách hiệu quả”. Cụm từ “chưa biết cách” mà nhiều khách du lịch dùng để chỉ:
- Chúng ta chưa xây dựng được các chương trình, tuyến điểm tham quan tháp Chăm thật hợp lý, chưa có được đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thuyết minh viên am hiểu hết văn hóa Bình Định để quảng bá cho khách du lịch.
- Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng, chưa có những quy hoạch, trùng tu, bảo quản, khai thác du lịch của các tháp Chăm thật hợp lý.
- Vấn đề vệ sinh môi trường, cảnh quan của các tháp Chăm hầu hết là rất tệ và ở trong tình trạng đáng báo động.
Tóm lại, tầm nhìn về vấn đề phát triển dịch vụ du lịch của hệ thống tháp Chăm, cũng như tầm nhìn phát triển hoạt động du lịch chung của cả tỉnh vẫn còn rất hạn chế.
Tháp Chăm Bình Định là bản sắc riêng, là tài sản riêng, là niềm tự hào riêng của người dân Bình Định. Để chúng vẫn giữ được sự tôn nghiêm, giữ được sức hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến Bình Định, rất cần sự chung tay góp sức của chính quyền, ngành chức năng và nhân dân trong công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, khai thác, phát huy các giá trị độc đáo của hệ thống tháp Chăm Bình Định.
|