Ân Hảo Đông - dân lo sạt lở bờ sông
13:7', 29/11/ 2008 (GMT+7)

Con sông An Lão đoạn chảy qua xã Ân Hảo Đông (Hoài Ân) ngày thường yên ả là vậy, nhưng khi đến mùa mưa lũ, lòng sông cuồn cuộn, chảy xiết sẵn sàng cuốn trôi tất cả những gì bắt gặp hai bên bờ sông. Sau mưa lũ, bờ sông bên lở, bên sa bồi, thủy phá gây nhiều thiệt hại cho người dân hai bên bờ.

 

Nhiều ngôi nhà kiên cố sắp bị “nuốt” vì sạt lở lòng sông. Ảnh: Quang Hiếu

 

Được sự chỉ dẫn của nhiều người dân ở thôn Bình Hòa Nam, xã Ân Hảo Đông, chúng tôi đã ra tới tận bờ sông An Lão- nơi bị sạt lở nặng nhất. So với bụi tre còn sót lại bên bờ sông cũ, lòng sông được khoét sâu, sạt lở vào bờ đến 300m và kéo dài khoảng 3km. Ông Nguyễn Văn Dũng, 44 tuổi, nhà ở sát bờ sông kể: “Trước đây, từ chân móng nhà tôi còn có 500m đất ruộng trồng lúa và 500m đất soi trồng dâu… nhưng bây giờ, thì soi không còn mà ruộng cũng không. Nước sông chỉ còn cách móng nhà chừng 3-4m”. Ông Dũng dẫn chúng tôi ra chênh chếch phía bên kia đường để nhìn về ngôi nhà của mình. Từ năm 2000, trước tình hình “sông ăn đất”, vợ chồng ông đã tích cóp, dành dụm để “đổi” ngôi nhà gỗ tạm bợ thành nhà xây cho chắc chắn. Thế mà, bây giờ, tình trạng đất bờ sông sụt lún đã làm cho ngôi nhà của ông cũng bị lún móng theo, độ nghiêng đã nhìn thấy rõ. Nét mặt ông Dũng tỏ ra căng thẳng: “Vợ chồng tui lo lắm. Năm nay, nếu tình hình mưa lũ còn kéo dài, e nhà sập mất!”.

Tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn ra dữ dội ở khu vực thôn Bình Hòa Bắc. Ông Nguyễn Văn Lắm, trưởng thôn Bình Hòa Bắc, dẫn chúng tôi ra bờ sông và mô tả mức tàn phá của dòng nước mùa mưa lũ: “Đây là năm thứ 4, bờ sông bị lở lói dữ dội. Năm ngoái, tại khu vực này, bờ sông đã bị sạt lở so với hiện trạng cũ đến trên 40m. Trước đây, hợp tác xã trồng dừa bên bờ sông, giờ nước đã “ăn” mất đến 5 hàng dừa. Sông- chỗ thì sạt lở, chỗ sa bồi, thủy phá đã lấp mất 4 ha ruộng Rộc ở xã Bình Hòa Bắc. Khu vực này trước đây là đất lúa 3 vụ, năng suất 60 tạ/ha. Bây giờ, diện tích còn lại, lúa thu hoạch cũng hết sức bấp bênh, năm ngoái, đã có nhiều hộ mất trắng”.

Hiện tượng sạt lở, sa bồi, thủy phá bờ sông còn cắt một phần khu dân cư gồm 6 hộ dân của thôn Bình Hòa thành “ốc đảo”. Dân cư ở nơi này đi lại, sinh hoạt khó khăn. Mất đất sản xuất, nhiều hộ dân trở nên trắng tay, phải làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Nhiều hộ rơi xuống hộ nghèo như hộ ông Nguyễn Trung Thành, 52 tuổi; ông Huỳnh Văn Nhung, 62 tuổi… các con chỉ học hết cấp 2 rồi bỏ học đi làm thuê, cuộc sống hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Nghĩa, quyền Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông, bức xúc: “Những năm gần đây, riêng trên đất Ân Hảo Đông đã có đến 7 ha đất bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến 70 hộ dân sống bên bờ sông. Trong đó, có nhiều hộ bị mất trắng đất đai, nhà cửa. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, e rằng nhiều diện tích đất nà, đất soi của dân, kể cả khu dân cư còn bị mất nữa”. Ông Nghĩa cũng cho biết, người dân Ân Hảo Đông rất bức xúc trước tình trạng sạt lở bờ sông nên đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp HĐND xã, huyện và đề đạt nguyện vọng với đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri. Mới đây, tỉnh cũng đã thống nhất, trong năm 2009 sẽ cho xã xây dựng một đoạn kè từ thôn Bình Hòa Bắc đến cuối thôn Cẩm Đức, dài khoảng 600m. Hy vọng có thể cải thiện được phần nào tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra ở đây.

  • Quang Hiếu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Chăm Bình Định đang mất dần sự linh thiêng và hấp dẫn  (27/11/2008)
Tặng 20 triệu đồng cho 10 trường hợp đặc biệt khó khăn  (27/11/2008)
Cống thoát nước thoát… ngược!  (26/11/2008)
Tốc độ đường truyền Internet: từ tăng thành giảm?  (26/11/2008)
Bạn đọc báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (21/11/2008)
Cần có thêm chợ  (21/11/2008)
Hơn 13 năm vẫn chưa có bảng tên cơ quan!  (20/11/2008)
Nguy cơ tiềm ẩn ở một bến đò  (20/11/2008)
“Ngã tư siêu tốc”  (14/11/2008)
Hơn 1.000 hộ dân Phù Mỹ không được xem truyền hình Bình Định  (14/11/2008)
Nhà văn hóa hay… gara(?)  (12/11/2008)
Mệt mỏi học thêm  (12/11/2008)
Vì sao để kéo dài?  (06/11/2008)
Niềm vui từ cây cầu mới  (05/11/2008)
Cảm ơn những tấm lòng lương y  (05/11/2008)