|
Tận dụng phần lề đường, thậm chí là một phần mặt đường quốc lộ hoặc cả mặt đường các tuyến hương lộ, tỉnh lộ để làm sân phơi vẫn khá phổ biến. |
Sau khi thu hoạch, nhà nông phải hong, phơi khô lúa để lưu trữ. Hiện nay rất nhiều người lợi dụng phần lề đường, thậm chí là một phần mặt đường quốc lộ hoặc cả mặt đường các tuyến hương lộ, tỉnh lộ để làm sân phơi.
Ở các vùng nông thôn Bình Định nói chung và có lẽ ở nhiều địa phương khác ở miền Trung nữa, hiện nay diện tích để làm sân phơi kiểu như sân phơi tập thể không còn nhiều. Mặt khác do sản lượng lúa nay đã tăng lên mức cao hơn trước đây rất nhiều nên phương án hong phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời không thể đáp ứng tốt nữa.
Thật ra không ai lại đem lúa, mì, đậu… ra đường phơi khi trời mưa. Người ta chỉ tranh thủ khi trời có nắng. Liệu có thể sử dụng nguồn năng lượng này không?
Cuộc sống đã đặt ra nhu cầu rất cụ thể, hướng tháo gỡ khó khăn, trở ngại như đã thấy cũng không phải là ít. Vấn đề còn lại là giải pháp kỹ thuật, ai sẽ là người xử lý khâu này nếu không phải là những nhà khoa học - những người hằng năm vẫn nhận rất nhiều tiền đầu tư từ ngân sách để nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đời sống vì cộng đồng?
Lâu nay Nhà nước đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc để kiểm soát, tuyên truyền người dân chấp hành luật pháp, đảm bảo an toàn trật tự giao thông nhưng điều dễ thấy là hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ không hề giảm. Nên chăng Nhà nước nên chuyển một phần tiền từ quỹ tuyên truyền vận động thực hiện an toàn giao thông; giảm bớt kinh phí cử cán bộ đi tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý đường sá ở nước ngoài để đầu tư nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp nông dân phơi được nông sản không lấn chiếm đường làm sân phơi?
|