Báo Bình Định số ra ngày 5.12.2008 đăng bài “Đừng để người lao động bị thiệt thòi” đề cập việc giải quyết chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) đối với anh Nguyễn Đức Thọ là công nhân Công ty Cổ phần Cơ điện & Xây lắp Hùng Vương.
Sau đó, đọc công văn giải trình sự việc của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Định đăng trên báo Bình Định ngày 12.12.2008 tôi nhận thấy không thể chấp nhận. Một cơ quan có nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người lao động tham gia BHXH, nhưng lúc người lao động cần thì không thấy bóng dáng cơ quan đấy ở đâu. Chúng ta không thể vô cảm để mặc gia đình anh Thọ chịu thêm nỗi đau nữa, vợ con anh Thọ phải đợi đến bao giờ mới được “BHXH tỉnh Bình Định sẽ giải quyết chế độ TNLĐ cho anh Thọ, nếu BHXH Việt Nam đồng ý”?
Tôi nhận thấy:
- Thứ nhất: Hồ sơ tai nạn của anh Thọ không vượt khả năng giải quyết của địa phương như giải trình của BHXH tỉnh Bình Định. Vì: Hồ sơ của cơ quan công an cung cấp đã đầy đủ theo đúng Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA (C11) ngày 5.1.2007 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc “Ban hành quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ”, theo đó sơ đồ hiện trường và biên bản khám nghiệm hiện trường chính là “Biên bản tai nạn giao thông”.
- Thứ hai: Để có được hồ sơ cung cấp cho BHXH tỉnh Bình Định tiếp nhận vào ngày 18.9.2008, cơ quan anh Thọ phải tiến hành thành lập hồ sơ từ tháng 10.2007, trong quá trình thành lập hồ sơ gặp không ít trục trặc do có sự sai sót ngoài ý muốn. Tôi được biết việc thành lập hồ sơ này phù hợp với Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT/BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 8.3.2005 của Liên bộ LĐ-TB và Xã hội – Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn lao động VN. Do vậy việc Báo Bình Định xác định là “Sau một năm vất vả làm các loại thủ tục…” theo tôi là hoàn toàn có căn cứ và như vậy đã có đủ cơ sở để giải quyết quyền lợi cho anh Nguyễn Đức Thọ.
Tôi được biết, ngoài số tiền Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây lắp Hùng Vương trợ cấp cho gia đình anh Thọ, cơ quan còn cử cán bộ túc trực khi anh điều trị tại bệnh viện, cơ quan có đóng cho anh một hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động và Bảo Việt Bình Định đã giải quyết kịp thời bồi thường số tiền 15.000.000 đồng, nhờ đó gia đình mới có điều kiện lo thuốc men cứu chữa cho anh.
Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Kinh tế hợp tác Việt Nam ngày 14.5.2008, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã trả lời: “Nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH. Luật BHXH có hiệu lực từ 1.1.2007, nhưng các văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đồng bộ… BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quản lý đảm bảo đồng bộ và khả thi khi tổ chức thực hiện, đúng quy định của pháp luật, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện… Các đơn vị thuộc cơ quan BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố phải thực hiện có hiệu quả phương châm bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, phát sinh ở cơ sở, tạo điều kiện để các đơn vị sử dụng lao động và người dân tin tưởng vào những việc làm của cơ quan BHXH. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức ngành BHXH để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ quan trọng nhất”.
BHXH tỉnh Bình Định nên xem xét lại cụ thể vụ việc, giải quyết nhanh chóng quyền lợi cho người lao động, không nên đùn đẩy trách nhiệm.
|