Sau khi dự án giảm thiểu rủi ro thủy tai ở Bình Định (do Chính phủ các nước Hà Lan, Luxembourg và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc – UNDP viện trợ không hoàn lại 1,69 triệu USD) được triển khai tháng 4.2005, hệ thống đê Khu Đông qua địa bàn 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn đã được nâng cấp thêm 6km, và đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2006. Tuy nhiên, sau đó một số người đã sắm máy cơ giới khai thác cát dọc theo tuyến đê để bán, gây tác hại môi trường, ảnh hưởng đến công trình đê. Sự việc này kéo dài từ năm 2006 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, gây bất bình trong nhân dân.
|
Xe tải 77K-7723 đang “ăn” cát ngay sát chân đê.
|
Từ giữa tháng 12 đến nay tranh thủ nước lũ rút, các máy hút cát thi nhau hoạt động, các xe tải tấp nập ra vào chạy trên đê sông Đập Chùa lấy cát. Ông Văn Thanh Đua, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh (Phù Cát), bức xúc: “Đê sông Đập Chùa đắp bằng đất yếu, lại mới qua mùa lũ nếu cứ chở cát đi trên mặt đê, đê sẽ chóng xuống cấp. Hơn nữa vùng khai thác cát nằm gần chân đê vừa được Nhà nước đầu tư nâng cấp nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi cho cắm biển báo cấm và làm 2 trụ bê tông không cho xe tải chở cát đi trên mặt đê. Nhưng vừa làm xong liền bị phá, họ (những người khai thác cát trái phép) còn ngang nhiên hăm dọa đánh chúng tôi nếu không cho xe tải vào lấy cát. Hiện tại tôi đề nghị ngành chức năng của huyện Phù Cát phối hợp với huyện Tuy Phước xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép, chứ xã không thể làm nổi”.
Những máy khai thác cát trái phép đều nằm ở địa bàn giáp ranh 2 xã Cát Chánh (Phù Cát) và Phước Thắng (Tuy Phước). Đê do xã Cát Chánh quản lý, còn con người thì nơi ở là xã Phước Thắng quản lý, nếu không có sự phối hợp giữa chính quyền 2 xã thì không thể giải quyết được. Lợi dụng sự việc trên, các đối tượng thi nhau khai thác cát trên sông Đập Chùa từ nhiều năm nay mà vẫn chưa bị xử lý lần nào. Ông Bùi Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: “ Lâu rồi xã có phối hợp với Đội quản lý đê Tân Giản kiểm tra nhưng cũng không xử lý được, có đặt vấn đề với ông trưởng thôn An Lợi lập biển cấm không cho xe tải ra vào lấy cát rồi cũng không xong nên đành chịu. Hiện nay 2 máy hút cát trên là của ba anh em ruột: Trần Ngọc Dũng, Trần Ngọc Hùng, Trần Ngọc Anh con của ông Trần Quệ, ở xóm 9 An Lợi”.
|
Xe tải tranh nhau vào lấy cát trên sông Đập Chùa.
|
Việc khai thác cát bừa bãi như trên không những vi phạm Pháp lệnh đê điều mà còn tạo nhiều hố sâu, gây biến đổi dòng chảy, tạo nên những dòng xoáy bất thường gây sạt lở hai bên bờ sông, làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng nhà cửa, vườn tược của nhân dân và trở thành những cái bẫy nguy hiểm, làm cho người dân hết sức lo âu. Theo quan sát của chúng tôi các máy hút cát hoạt động chỉ cách chân đê chừng 5 đến 20 mét, mỗi máy hút cát mỗi giờ hút lấy đi 14 m³ cát cho 2 xe tải chở đi, và họ thu 10.000 đồng/m³ cát. Như vậy số cát lấy đi trong ngày và số tiền họ thu lợi không phải nhỏ. Họ vô tư lấy cát bán thu tiền, tài nguyên bị họ lấy đi một cách trắng trợn, còn thiệt hại người dân và Nhà nước phải gánh chịu.
Tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Đập Chùa đã và đang gây hệ quả xấu về môi trường, kinh tế và cả tính mạng của nhân dân. Đề nghị ngành chức năng và chính quyền các địa phương có ngay các biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời và hiệu quả.
|