Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.540 xe còn đang hoạt động, loại xe này được lắp ráp từ các động cơ diesel một xi lanh và tận dụng các linh kiện, tổng thành ô tô hư hỏng (còn gọi là xe độ chế) và xe tự chế 3-4 bánh (không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thiết kế, không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định) không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tham gia giao thông trái phép trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; người điều khiển xe độ chế phần lớn chưa qua đào tạo, sát hạch, không có giấy phép lái xe, vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, nguy hiểm nhất là khi lưu thông vào ban đêm không có còi, đèn; hệ thống phanh không đảm bảo an toàn kỹ thuật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, gây dư luận bất bình trong nhân dân.
|
Những chiếc xe tự chế đang lưu thông trên tuyến đường Gò Bồi - Bình Định. Ảnh: N.X
|
Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29.6.2007 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ và Công văn số 7241/CV-BGTVT ngày 9.11.2007 của Bộ Giao thông vận tải, Công điện số 268/HT ngày 31.12.2007 của Bộ Công an, Chỉ thị số 07/CT-TU ngày 19.9.2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngày 30.1.2008, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn yêu cầu giám đốc các sở, ban có liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ rà soát, lập danh sách chủ phương tiện có xe độ chế, xe tự chế 3-4 bánh, xe ôtô đã hết niên hạn sử dụng để thông báo cho chủ sở hữu không được phép lưu hành và tự giác đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa sổ, nộp biển số, sổ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; đồng thời xử lý kiên quyết theo đúng quy định hiện hành.
Đối với xe độ chế, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp: Tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể phạm vi và thời gian, tuyến đường hoạt động theo hướng cấm hoạt động trên đường quốc lộ, trong khu vực nội thành các đô thị loại 4 trở lên hoặc các tuyến đường tỉnh lộ có mật độ giao thông cao; quy định các tuyến đường được phép hoạt động; đối với miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa có phương tiện vận tải thay thế, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan xem xét, đề xuất có quy định cho sử dụng tạm thời các loại xe độ chế để giải quyết nhu cầu vận chuyển nông sản của nông dân trên một số địa bàn cụ thể. Đề xuất phương án, chính sách ưu đãi hỗ trợ để chủ sở hữu phương tiện thay thế xe độ chế, xe tự chế, xe quá niên hạn sử dụng.
Tổ chức thực hiện việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người điều khiển xe máy kéo nhỏ theo đúng quy định hiện hành.
Đối với loại xe cơ giới dùng cho thương binh, người tàn tật: Thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật xe cơ giới đường bộ để được phép tham gia giao thông phục vụ đi lại cho người tàn tật (không tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách). Yêu cầu chủ sở hữu viết cam kết thực hiện tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông và phải làm thủ tục đăng ký lưu hành theo quy định của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.
Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng cảnh sát nhân dân, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát bảo vệ, công an phường, công an phụ trách xã, công an thị trấn phối hợp lực lượng ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn không để lưu hành các xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe độ chế, xe tự chế 3-4 bánh theo tinh thần Nghị quyết số 32/2007 ngày 29.6.2007; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan; riêng đối với xe tự chế 3-4 bánh khi kiểm tra, kiểm soát xác định người điều khiển là thương binh, hoặc người tàn tật thì chưa xử lý để tạo điều kiện đi lại sinh hoạt, hướng dẫn họ làm thủ tục đăng kiểm an toàn kỹ thuật xe và đăng ký lưu hành theo quy định. Đối với các trường hợp sử dụng để chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ vi phạm trật tự an toàn giao thông thì phải xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo công an huyện, thành phố và công an phường, xã, thị trấn tổng rà soát, lập danh sách, phân loại phương tiện: ô tô đã hết niên hạn sử dụng; xe độ chế và xe tự chế 3-4 bánh, tuyên truyền vận động, thuyết phục chủ sở hữu tự giác đến cơ quan cảnh sát giao thông làm thủ tục xóa sổ theo quy định và cam kết thực hiện đúng Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và các quy định của UBND tỉnh.
Chỉ đạo các ngành phối hợp với Mặt trận và các hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện và chấp hành nghiêm túc chủ trương của Chính phủ; phải gắn trách nhiệm của các ngành, đoàn thể và UBND xã, phường, thị trấn trong việc triển khai thực hiện chủ trương này.
|