Khi đời sống kinh tế của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao thì đời sống tinh thần - nhất là các phương tiện nghe, nhìn đã trở thành một nhu cầu cần thiết của nhiều người dân hiện nay. Không ít hộ dân đã mua sắm, trang bị cho gia đình mình những chiếc tivi đời mới, màn hình lớn tinh thể lỏng, siêu mỏng; những dàn âm ly kỹ thuật số có công suất âm thanh cực lớn, xài đĩa CD, VCD có giá trị đến vài chục triệu đồng, phục vụ cho các nhu cầu hưởng thụ văn hóa - văn nghệ trong gia đình. Đây là một dấu hiệu đáng mừng khi mặt bằng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện và nâng cao…
Tuy nhiên, đi đôi với những tiến bộ này là nỗi lo, sự ca thán, bực bội, phiền toái… của không ít người dân ở các khu dân cư hiện nay về “vấn nạn ô nhiễm môi trường âm thanh” từ những dàn máy có công suất cực lớn ấy phát ra mà chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý văn hóa cấp trên cũng chưa có một biện pháp, chế tài nào để quản lý và ngăn chặn.
Nhà cửa ở các khu dân cư hiện nay đặc biệt là ở thành phố, thường là liên tường, liên vách nên chỉ cần một nhà nào đó sơ ý đánh vỡ một cái chén ăn cơm, một cái ly uống nước là đã làm cho nhà hàng xóm giật mình. Hơn nữa, trong một khu dân cư bao giờ cũng có người già, trẻ em và cả những người đau yếu. Ấy vậy mà trong những ngày Tết Mậu Tý vừa rồi, nhiều chủ hộ có dàn âm ly kết hợp với Karaoke đã rất thiếu ý thức cộng đồng đã “vô tư” mở hết công suất, làm náo động và đảo lộn mọi sinh hoạt của các hộ xung quanh. Và khi đã “chịu hết nổi” một số hộ dân ở gần phản ứng thì không ít người có máy đã phản ứng lại với lời lẽ hết sức trịch thượng, thiếu văn hóa, đại loại như: “Tháng có một rằm, năm có một tết. Nhà ta ta cứ chơi, máy ta ta cứ xài…” mà không nghĩ rằng: Nhà anh đang ở trong một khu dân cư chứ không phải là nơi hoang mạc không người. Thiếu văn hóa hơn nữa là có nhà do mở máy quá to, hát quá to, cả xóm la ó, phản ứng, đã tìm cách phản ứng lại bằng cách… vặn to hết cỡ, tắt điện, đóng cửa giả vờ ngủ, mặc cho hàng xóm chịu trận. Những trường hợp này nghĩ cho cùng thì cái đài, cái máy nó không có tội. Chỉ có những người sử dụng các phương tiện văn hóa để làm điều “thiếu văn hóa” mới đáng trách mà thôi.
…Đành rằng, xuân về, tết đến thì phải có sự hát hò, vui nhộn để ra khí thế ba bữa Tết, thế nhưng, vui gì, hát gì và hát như thế nào để không ảnh hưởng và đảo lộn đến cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng trong khu dân cư là điều mà mọi người phải nghĩ, phải tính. Chớ có tùy hứng và “chơi dội” gây phiền toái đến nhiều người khác là không nên…
(P. Hải Cảng - Quy Nhơn) |