Sau nhiều tháng mất việc làm, chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1974) đau đáu một niềm hy vọng được gọi đi làm trở lại ở cơ sở cũ (trước là Cơ sở Nguyễn Nga, nay là Trường dạy nghề thuộc Sở LĐTB&XH). Nhưng niềm hy vọng ấy của chị Tuyết đã tắt, khi mà Trường dạy nghề đã đi vào hoạt động ổn định, những lời hứa “sẽ xem xét” của những người có trách nhiệm đã rất vợi xa(!).
|
Chị Tuyết vá đứa con suy dinh dưỡng tại căn phòng trọ mới ở hẻm nhỏ, đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn.
|
Trong tâm trạng mất việc làm, cộng với gia cảnh khó khăn chất ngất của một gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều là người tàn tật, chị Tuyết đã gửi thư đến Tòa soạn Báo Bình Định, mong được chia sẻ nỗi niềm. Bức thư viết: “… Gia đình tôi nghe tin này (không được Trường dạy nghề tuyển dụng làm việc ở cơ sở cũ- PV) đã rất bàng hoàng lo lắng trong nhiều ngày qua. Vì sao một đơn vị tư nhân có thể tiếp nhận và sử dụng lao động người khuyết tật như một lao động chính còn cơ sở của Nhà nước lại từ chối lao động khuyết tật. Bây giờ tôi biết tìm việc làm nơi đâu, vì người khuyết tật tìm một công việc phù hợp rất khó, không có việc làm dẫn đến nhiều bất ổn trong cuộc sống, nếu không muốn nói là mất đi những bữa cơm nuôi sống gia đình bé nhỏ của chúng tôi”.
Những lời thư ẩn chứa tâm trạng buồn của chị Tuyết bắt nguồn từ việc Cơ sở Dạy nghề cho NKT Nguyễn Nga do không đủ điều kiện nên đã tình nguyện chuyển giao cơ sở từ thiện tại số 02 Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn về Sở LĐTB&XH Bình Định vào tháng 6.2007. Những thành viên là NKT đã gắn bó, bám trụ ở đây hàng chục năm nay hy vọng với cơ quan chủ quản mới họ sẽ có điều kiện để học tập và làm việc lâu dài. Thế nhưng, đã có cảnh “kẻ ở, người đi” sau một cuộc “lựa chọn” của cơ quan chủ quản là Trường dạy nghề, thuộc Sở LĐTB&XH. Một số cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên của cơ sở bị mất việc làm.
“Tôi yếu đôi chân nên không giữ được vị trí của mình tại cơ sở này!”. Đó là lời tâm sự vừa buồn, vừa tủi của chị Nguyễn Thị Tuyết, nguyên nhân viên văn phòng của Cơ sở. Khi Trường dạy nghề sắp xếp lại định biên, thì chị Tuyết đã không có tên trong danh sách. Chị Tuyết đã làm đơn đăng ký xin việc, đi lại nhiều lần nhưng đều bị cán bộ Trường dạy nghề lắc đầu từ chối, với lý do: đôi chân của Tuyết bị … yếu(!). Gắn bó học nghề, rồi dạy nghề và là nhân viên suốt 14 năm qua, giờ chị Tuyết bị mất việc làm một cách oan uổng(!) Gia cảnh của chị Tuyết vốn khó khăn giờ khó khăn chồng chất. Sau khi mất việc, vợ chồng chị Tuyết cũng mất luôn chỗ ở nhờ tại cơ sở cũ (Trường dạy nghề đã thu hồi để bố trí việc khác). Phải qua con hẻm sâu hun hút trên đường Bạch Đằng, TP. Quy Nhơn, mới tìm được chỗ trọ mới của chị Tuyết cùng 3 người thân. Căn phòng hai chục mét vuông, thuê với giá 400 nghìn đồng/tháng được ngăn đôi, nửa trước là chỗ dạy kèm cho 3 học sinh hàng xóm, nửa sau là chỗ ở của hai vợ chồng, đứa con gái 14 tháng tuổi cùng bà mẹ chồng thương binh hạng 2/4. Chồng chị Tuyết là anh Phạm Ánh, bị bom đạn của chiến tranh cướp mất một chân; tốt nghiệp đại học hơn chục năm mới xin được chân hợp đồng ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hơn một năm nay. Sau 9 tháng thất nghiệp (không được bảo hiểm xã hội), sự thiếu thốn, cộng với nỗi lo chăm sóc con mọn, khiến khuôn mặt đẹp của chị Tuyết hằn lên nét tiều tụy. Cháu bé Phạm Ánh Nguyệt đã 14 tháng tuổi nhưng chỉ hơn 6 kg vì bị suy dinh dưỡng nặng.
Trong bức thư gửi đến Báo Bình Định có đoạn viết: “Trong sự thất vọng bị từ chối việc làm, vợ chồng tôi vẫn tin tưởng cuộc sống này, xã hội này, tin tưởng vào những văn bản pháp luật về ưu đãi dành cho người khuyết tật. Niềm hy vọng vào một ngày mai đẹp đẽ hơn đã giúp vợ chồng tôi tiếp tục chống chọi, vượt qua những khó khăn của hôm nay”. Chị Tuyết mơ ước một ngày mai tốt đẹp hơn là một suy nghĩ tích cực, bởi chị vốn là con người đã hơn một lần vượt lên số phận. Hành trình của chị bắt đầu từ những bước đi đầy khó khăn, nhưng cũng đầy nghị lực. Chị bị bại liệt từ nhỏ, lại là con trong gia đình nông dân nghèo ở xã Cát Lâm, nhưng chị vẫn đeo đuổi việc học và đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp kế toán, hiện là sinh viên năm 3, Khoa ngoại ngữ Đại học Quy Nhơn (do mất việc nên hiện chị Tuyết xin bảo lưu học phần và tạm nghỉ). Gắn bó với Cơ sở Nguyễn Nga từ ngày đầu thành lập (1993), chị Tuyết đã học, làm và dạy đủ các nghề thêu, đan, may tại Cơ sở và dạy kèm văn hóa. Từ năm 1999, chị Tuyết được bố trí làm việc ở bộ phận văn phòng của Cơ sở.
Mong rằng ngành LĐTB&XH cần xem xét lại những trường hợp mất việc của chị Tuyết; tạo điều kiện giúp đỡ để chị Tuyết có cơ hội được làm việc với khả năng của mình.
Cơ sở dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; được giao đất không thu tiền hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của người tàn tật, khuyết tật (khoản 2 Điều 70, Luật Dạy nghề);
Chính sách đối với Doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề: Doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ khi tiếp nhận người tàn tật, khuyết tật vào học nghề và làm việc cho doanh nghiệp; được trừ để tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật đối với các khoản đầu tư, chi phí hợp lý của doanh nghiệp để duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chi phí dạy nghề của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc cho doanh nghiệp (khoản 5 Điều 55 Luật Dạy nghề). |
|