Dư luận về sự mất đoàn kết nội bộ Ban giám hiệu Trường Tiểu học Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ đã có từ nhiều năm nay. Thế nhưng, ngành giáo dục và chính quyền địa phương chưa có biện pháp phối hợp giải quyết hữu hiệu, khiến vụ việc gây ảnh hưởng không lành mạnh trong môi trường sư phạm. Đỉnh điểm của sự mất đoàn kết này là ông hiệu trưởng Phan Nhật Tân đã ra quyết định trái pháp luật “cảnh cáo” bà hiệu phó Nguyễn Thị Huệ...
Theo đơn thư phản ảnh của bà Nguyễn Thị Huệ, từ tháng 1.2004 bà được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Cát, thì ông Phan Nhật Tân- Hiệu trưởng nhà trường bắt đầu có những bất bình với bà, ngày càng có biểu hiện o ép và trù dập đối với cá nhân bà. Như việc ông Tân đã nhiều lần uống rượu say có những lời lẽ rất lỗ mãng với một số nhân viên, giáo viên trong trường và thường gây gổ, nạt nộ bà Huệ. Quá bất bình với những biểu hiện của ông Tân, nhưng yếu thế hơn nên những phản ứng của bà Huệ về ông Tân trước đoàn thể, nhà trường đều không có hiệu quả. Bà Huệ đã ghi âm lại một số đoạn “trao đổi” giữa ông Tân và bà Huệ để làm bằng chứng. Những lời lẽ của ông hiệu trưởng dành cho đồng nghiệp, cho cấp phó của mình trong băng ghi âm này thật không phù hợp trong môi trường học đường.
Việc mâu thuẫn giữa ông Tân và bà Huệ đã đến đỉnh điểm vào khoảng cuối năm 2006. Ông Tân đã dùng “quyền hạn” của hiệu trưởng ra Quyết định số 11/QĐ-KL, ngày 10.12.2006. Thi hành kỷ luật bà Huệ vì đã “vi phạm dựng chuyện vu khống nhằm bôi nhọ danh dự cá nhân và tập thể CBGV, có ý đồ gây mất đoàn kết nội bộ, không chấp hành ý thức kỷ luật, không kỷ cương trách nhiệm, coi thường tập thể, coi thường tổ chức … hình thức kỷ luật cảnh cáo trong hội đồng sư phạm …”. Theo bà Huệ, quyết định kỷ luật không gửi cho bà, nhưng đến tháng 6.2007, khi bà chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học hệ đào tạo từ xa thuộc Đại học Huế, nhà trường yêu cầu học viên nộp bản tự đánh giá thành tích công tác, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị, thì bà Huệ được ông Tân phê với nội dung như Quyết định số 11/QĐ-KL. Để chắc chắn hơn, ông Tân còn làm một “Bản đánh giá thành tích công tác” của bà Huệ một cách chi tiết, gửi Đại học Huế mặc dù trường này không yêu cầu. Những nội dung trong bản nhận xét của ông Tân không những cực kỳ bất lợi cho bà Huệ mà ông Tân còn “đề nghị với BGH Trường Đại học Huế xử lý kỷ luật đình chỉ không cho đ/c Nguyễn Thị Huệ dự kỳ thi tốt nghiệp…”. Từ đề nghị của ông Tân, bà Huệ đã không có tên trong danh sách thi. Bà phải nhờ đến Phòng Giáo dục đào tạo huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Cát có công văn can thiệp với Đại học Huế thì bà Huệ mới được thi.
Ông Hồ Ngọc Chánh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát nhận xét về tình hình mất đoàn kết nội bộ BGH Trường Tiểu học Mỹ Cát: “Chúng tôi rất buồn trước những gì xảy ra ở một cơ sở giáo dục trên địa bàn xã. Cô Huệ là đảng viên trẻ, có trình độ, nhiệt tình công tác. Nhưng do thẳng tính nên cô Huệ thường phản ứng với những biểu hiện bất nhã của thầy Tân, từ đó thầy Tân “chăm sóc” cô Huệ kỹ càng, dẫn đến những xung đột giữa hai người ngày càng sâu sắc. Còn thầy Tân lúc uống rượu rồi thì hay có tính gia trưởng, xem nhẹ thuộc cấp. Việc xử lý kỷ luật cán bộ của thầy Tân cũng rất tùy tiện, vô nguyên tắc và mất dân chủ, thao túng cả chi bộ và tổ chức công đoàn”. Còn cô giáo Nguyễn Thị Thặng, giáo viên lớp 2D thì cho rằng: “Nội bộ của BGH nhà trường có vấn đề, ngành giáo dục và chính quyền địa phương cần phối hợp và có biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng không ai chịu ai giữa cô Huệ và thầy Tân”. Việc thầy Tân ra quyết định kỷ luật cô Huệ là trái quy định của pháp luật, bởi cô Huệ là phó hiệu trưởng do Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm, nên Hiệu trưởng nhà trường không có quyền tự ý ra quyết định kỷ luật”. Dường như thấy sai, nên ngày 19.9.2007, ông Tân ra tiếp Quyết định số 01/QĐ-THKL, thu hồi quyết định cảnh cáo bà Huệ mà không có giải trình lý do thu hồi.
Không khí thiếu dân chủ và tình trạng mất đoàn kết của Trường Tiểu học Mỹ Cát đang ở mức báo động. Mong ước của nhiều thầy, cô giáo trong trường cũng như chính quyền địa phương là các ngành các cấp hữu quan cần thanh tra, kiểm tra và xử lý thích đáng đối với những cá nhân vi phạm để làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục của nhà trường.
|