Tôi dự định ngày mồng 2 tháng 2 Mậu Tý sẽ đào móng xây lại nhà, vì nhà cũ của tôi đã lâu năm, xuống cấp nghiêm trọng. Tôi định không xin giấy phép xây dựng, vì ở đây lâu nay xây nhà cấp 4 trong xóm không ai xin giấy phép. Nhưng bạn tôi là kỹ sư xây dựng làm việc tại Phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Phù Mỹ tư vấn: để khỏi trở ngại sau này, khi làm sổ đỏ nhà mới, ông nên xin giấy phép xây dựng (khu tôi ở chưa nhà ai có sổ đỏ).
Muốn xin giấy phép, ông cần phải có đủ các giấy tờ sau:
- Đơn xin xác nhận nhà ở cũ, có chữ ký ba hộ dân xung quanh, chứng thực của thôn trưởng và của UBND thị trấn.
- Chụp một ảnh nhà cũ.
- Photo giấy mua nhà cũ có công chứng.
- Photo bản vẽ A3 một bộ.
- Vẽ một sơ đồ tổng thể khu nhà ở cũ.
Các công việc ở cơ sở tôi làm rất nhanh, chưa được nửa buổi sáng.
Khó khăn nhất là các công chức chỗ “một cửa” của UBND thị trấn Phù Mỹ. Hôm ấy, chiều thứ Năm, ngày 28.2.2008, tôi mang hồ sơ đến chỗ “một cửa” của UBND thị trấn Phù Mỹ để xin chữ ký xác nhận của chính quyền. Nhận hồ sơ của tôi là một cô gái nhỏ nhắn, còn trẻ. Cô ta xem qua một lượt, không nói gì, rồi chuyển cho một cậu cũng còn trẻ. Đó là Đặng Hoài Minh - nhân viên tư pháp. Anh ta lật qua lật lại một hồi giấy mua nhà của tôi, lên giọng: “Không được, vì dấu đen, không phải bản gốc”.
Tôi giải thích: “Tôi mua nhà năm 1976, thời điểm ấy chính quyền cấp xã chưa có dấu đỏ”. Anh ta lại gằn giọng: “Ở đây UBND xã Mỹ Quang xác nhận rồi ông còn đòi xác nhận gì nữa?”. Lần nữa, tôi lại phải giải trình: “UBND xã Mỹ Quang xác nhận là xác nhận việc mua bán nhà, còn ở đây tôi xin xác nhận là xác nhận sao y bản chính”. Mặt lạnh như tiền, ông cán bộ tư pháp ném tờ giấy mua nhà và bản photo lại cho tôi mà không giải thích vì sao. Còn đơn xin xác nhận nhà ở của tôi, ông này xem qua rồi chuyển sang bàn ông cán bộ địa chính Bùi Đức Trọn, sau đó hai tay đút túi quần lững thững lượn mấy vòng quanh bàn làm việc các cô cùng phòng.
Cầm đơn của tôi, ông Bùi Đức Trọn xem lướt qua, cũng không nói gì, chỉ bảo: “Đơn này ở đây không xác nhận”, rồi trả lại cho tôi và cũng không giải thích vì sao.
Cầm các giấy tờ trả lại, leo lên cầu thang, tôi đến thẳng phòng ông chủ tịch Nguyễn Ngọc Định ở gác 2. Tiếp tôi, ông Định niềm nở vui vẻ. Sau khi nghe tôi trình bày, vị chủ tịch đáng kính này vội vàng xuống gặp ông cán bộ địa chính Bùi Đức Trọn, bảo: “Đơn xin xác nhận nhà ở của thầy Sum (tôi nguyên là nhà giáo), chứng được chứ sao không. Anh viết vào để tôi ký”. Còn bản photo giấy mua nhà của tôi thì ông chủ tịch cũng không hiểu ký xác nhận được hay không được nên trả lại cho tôi.
Chẳng lẽ tôi không làm lại được nhà? Tôi vội lên thẳng UBND huyện Phù Mỹ. Tại phòng làm việc của ông Phó chủ tịch Hà Ngọc Tân, ông vui vẻ tiếp tôi và bảo: “Chú yên tâm, cháu sẽ giải quyết cho chú ngay bây giờ”. Ông mời thêm Trưởng phòng Tư pháp Phan Văn Thanh sang, cùng làm việc. Trao đổi với tôi, ông Thanh lắc đầu: “Chúng nó bậy quá, chú nói đúng”. Bấm máy cho chủ tịch Định, ông Tân nói: “Bản photo giấy mua nhà của chú Sum tại sao không chứng?”. Cúp máy, ông Tân bảo tôi: “Chú xuống ngay thị trấn kẻo hết giờ làm việc”. Gặp tôi, chủ tịch Nguyễn Ngọc Định vội vàng xác nhận ngay vào bản photo của tôi mà không cần đến cán bộ tư pháp. Tôi bắt tay cảm ơn ông Định, lúc này đã quá giờ làm việc buổi chiều.
Câu chuyện tôi kể chắc các bạn khó tin. Nhưng rất tiếc, đó lại là sự thật. Sự thật đó tôi cũng không hiểu được. Bởi vì, những giấy tờ của tôi, UBND thị trấn ký xác nhận là đúng chức năng. Vì sao các quan chức ở chỗ “một cửa” của UBND thị trấn Phù Mỹ không làm mà trả lại cho tôi? Họ không hiểu hay cố tình không hiểu?
Chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vì vậy, tôi đề nghị UBND thị trấn Phù Mỹ cần chấn chỉnh ngay lối làm việc quá tắc trách này.
|