Công báo là một ấn phẩm thông tin chính thức của Nhà nước, có chức năng công bố các văn bản quy phạm pháp luật và thời điểm có hiệu lực của các văn bản đó theo quy định của pháp luật. Do tầm quan trọng của Công báo nên ngày 23.3.2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2004/NĐ-CP quy định về Công báo của nước CHXHCN Việt Nam.
|
Cán bộ Tư pháp xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ) hướng dẫn pháp luật cho dân qua Công báo. Ảnh: N.H.H
|
Theo đó, Công báo được xuất bản ở Trung ương và ở cấp tỉnh, được phát hành rộng rãi cho mọi đối tượng sử dụng; văn bản pháp luật đăng Công báo có cùng giá trị với văn bản gốc; là văn bản chính thức duy nhất cùng văn bản gốc dùng để đối chiếu và sử dụng trong mọi trường hợp khi có sự khác biệt giữa văn bản đăng Công báo và văn bản có từ các nguồn khác hoặc có sự tranh chấp pháp lý.
Như vậy Công báo là một nguồn tài liệu vô cùng quý giá và rất cần thiết cho tất cả hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan Nhà nước.
Thế nhưng hiện nay có rất nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức chưa thấy được giá trị to lớn của Công báo nên việc bảo quản lỏng lẻo, khai thác chưa hiệu quả, thậm chí gây lãng phí. Ở nhiều đơn vị, Công báo chất đống trên kệ, hoặc cho vào “kho” mà không sử dụng Công báo tra cứu khi cần thiết. Đặc biệt là chính quyền cấp xã, được cấp phát Công báo miễn phí (mỗi số Công báo của Trung ương cấp 2 quyển và Công báo tỉnh cấp 1 quyển) nhưng hầu hết các xã chưa biết khai thác và sử dụng Công báo sao cho có hiệu quả. Chuyện Công báo vất lung tung, thất lạc mất, cán bộ tự mang về nhà và lưu không theo một thứ tự nào là việc thường thấy ở nhiều xã, phường, thị trấn tỉnh.
Để Công báo thật sự trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho hoạt động quản lý điều hành của nhà nước, tránh lãng phí, thiết nghĩ lãnh đạo các cơ quan Nhà nước cần phải quan tâm đến việc bảo quản và khai thác có hiệu quả Công báo.
|