Việc nghe và gọi điện thoại thuộc vào phạm trù văn hóa giao tiếp. Thế nhưng thực tế cho thấy có không ít cuộc gọi làm cho người nghe vô cùng thất vọng. Đặc biệt, có những trường hợp cán bộ cấp trên lại tự cho mình có cái quyền nói năng bất lịch sự, thậm chí nạt nộ cấp dưới… như 2 câu chuyện sau đây.
Mới đây anh L.Q.H một lãnh đạo cán bộ cơ sở ở huyện Hoài Nhơn bị bà H., chuyên viên của một cơ quan cấp trên, gọi điện thoại quát nạt bằng những lời lẽ bề trên vì lý do địa phương chậm ra quyết định cho phép cô L., một cá nhân có hồ sơ xin mở cơ sở nuôi dạy trẻ. Việc này đáng lẽ ra bà H. về phối hợp với chính quyền địa phương tìm hiểu nguyên nhân để cùng tháo gỡ những vướng mắc như vị trí xây dựng nhà trẻ, con người phục vụ cho công việc nuôi dạy trẻ. Bởi thực tế lâu nay, việc các cơ sở này vi phạm khá nhiều về chuyên môn đạo đức nghề nghiệp, thậm chí có những cơ sở đã gây phản ứng bất bình cho không ít phụ huynh và xã hội. Dẫu biết rằng việc phát triển nhà trẻ đang được nhà nước khuyến khích xã hội hóa, nhưng phải cẩn thận mới hạn chế những hậu quả không tốt xảy ra sau này.
Một trường hợp khác, Anh B. có viết bài phản ánh trên báo của tỉnh về một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vừa ăn nên làm ra, vừa trực tiếp truyền nghề cho người dân địa phương. Bài báo này hoàn toàn đúng sự thật, nhưng liền sau đó ông T. là cán bộ Phòng Công nghiệp huyện gọi điện quát tháo “mầy, tao” để tra khảo người viết bài. Nguyên nhân làm cho ông T. “nổi giận” là do sau khi bài báo được đăng tải, Trung tâm Khuyến công tỉnh có nhã ý tìm đến cơ sở này để tham quan và nếu như hội đủ điều kiện thì sẽ đầu tư cho cơ sở phát triển mở rộng. Chuyện này làm cho ông T. mất thời gian để dẫn đoàn đi thâm nhập thực tế trong khi đó ông T. lại không biết cơ sở này của ai, nằm ở đâu, mặc dù ông là cán bộ chuyên theo dõi các ngành nghề truyền thống và thủ công mỹ nghệ của huyện nhà(!).
Người xưa có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không rõ hai vị cán bộ nói trên có biết?
|