Theo cảnh báo của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an tỉnh, tình hình cháy nổ trong mùa khô năm nay tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Nguy cơ cháy nổ sẽ xảy ra vào bất kỳ lúc nào và ở đâu, nếu mọi người không đề cao tinh thần cảnh giác PCCC.
|
Một vụ cháy nhà ở TP Quy Nhơn do chập điện. Ảnh: A.T
|
Hiện các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các kiến thức về PCCC cho nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh số ít các tổ chức, cá nhân có ý thức tốt trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp PCCC, hiện vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân lơ là với công tác PCCC.
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng về tình hình PCCC trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn PCCC vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh... vẫn còn xem nhẹ công tác PCCC, cụ thể là việc chấp hành các quy định của Luật PCCC của họ chưa thật sự nghiêm túc. Uớc tính, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhưng có đến khoảng 60% cơ sở trong số đó có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Nhất là với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, nhiều chủ doanh nghiệp, công nhân chưa thật sự ý thức triệt để và thường xuyên công tác bảo dưỡng hệ thống, thiết bị PCCC. Nhiều doanh nghiệp sắm những thiết bị PCCC chỉ nhằm mục đích đối phó với cơ quan chức năng chứ không thật sự nhằm mục đích PCCC cho đơn vị mình. Cụ thể là trong lúc kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều công nhân của doanh nghiệp không hề biết thao tác sử dụng bình chữa cháy.
Nguy cơ cháy nổ còn nhìn thấy ở hầu hết các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn. Phổ biến nhất là tình trạng điện thắp sáng được câu móc lằng nhằng, không đúng quy định, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao.
Thượng tá Đặng Sai - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC:
Điện và những nguyên liệu, hàng hóa, vật tư, xăng dầu, khí đốt, các loại hóa chất, vật liệu nổ… là những chất dễ cháy nổ nhưng lại được sử dụng nhiều trong sản xuất và tiêu dùng, nên nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không được quản lý chặt chẽ. Hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra không thể lường trước được nếu như các cấp, các ngành và mọi công dân không quan tâm, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm và không có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả… |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC, 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy, gây thiệt hại ước tính 1 tỉ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy trên đều xuất phát từ sự thiếu ý thức, kiến thức về an toàn PCCC.
Để hạn chế những thiệt hại do cháy nổ gây ra thực sự là vấn đề không đơn giản khi con người thiếu ý thức về an toàn PCCC. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, ngành nghề sản xuất khá đa dạng, điều kiện vệ sinh công nghiệp còn nhiều bất cập. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều có sử dụng các phương tiện sản xuất, chất liệu dễ phát sinh cháy nổ để hoạt động trong đơn vị. Bên cạnh đó, ở các khu dân cư, các làng nghề sản xuất, chế biến, gia công..., chưa có hoặc chưa được huấn luyện bài bản về PCCC. Với thực trạng như vậy, nếu không có ý thức phòng ngừa tốt thì hỏa hoạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác PCCC trong mùa khô năm nay. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; giám đốc các doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất - kinh doanh tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy nổ cho các đối tượng cán bộ, công nhân viên, người lao động, sinh viên và quần chúng nhân dân trong đơn vị và địa phương mình. Tổ chức ngay đợt kiểm tra công tác PCCC trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, trường học. Qua đó kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC tại cơ sở. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư đô thị tập trung; cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas; cơ sở bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, điện lực, nhà cao tầng cần chủ động kiểm tra, rà soát lại công tác PCCC tại đơn vị mình để có kế hoạch chấn chỉnh ngay những tồn tại, thiếu sót có thể dẫn đến cháy nổ...
|