Một công trình phục vụ dân sinh bị cản trở
18:42', 30/4/ 2008 (GMT+7)

Vùng muối ở đầm Đề Gi, thuộc xã Cát Minh, huyện Phù Cát được đón nhận nguồn vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT để đầu tư công trình đê bao chắn sóng, ổn định nguồn nước mặn, phục vụ sản xuất ruộng muối, nuôi trồng thủy sản và vận chuyển sản phẩm. Đây được xem là công trình phục vụ dân sinh hết sức cấp thiết cho nhân dân vùng này. Thế nhưng chỉ vì chưa được thỏa mãn một số lợi ích riêng, một số người dân canh tác ruộng muối đã ngăn cản, làm đình đốn việc thi công, ảnh hưởng đến việc sản xuất muối của hàng chục hộ khác và nguy cơ bị cắt nguồn vốn do tiến độ thi công không đảm bảo.

 

Công trình đã bị ngăn cản tại lạch Đạo, thôn Đức Phổ 1.

 

Dự án “Mở rộng và nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng muối Đề Gi” dự kiến hoàn thành cơ bản trước ngày 30.6.2008. Thế nhưng, việc thi công hạng mục đê bao vùng 1, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, thuộc gói thầu số 1 của Dự án bị một số hộ dân làm muối cản trở vào thời điểm đầu năm 2008. Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án Thủy lợi (QLDATL), thuộc Sở NN&PTNT Bình Định, việc thi công đê nhánh tại 2 vị trí từ lạch Đạo đến lạch Nhiếm (dài 920 mét) là khó thực hiện, do thiếu sự đồng thuận của các hộ dân, trong khi thời hạn kết thúc dự án do Bộ NN&PTNT cho phép chỉ còn 2 tháng nữa, nên không đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình và vượt lũ tiểu mãn năm 2008. Tại vị trí lạch Đạo, một số hộ dân đã chặt cành cây rào chắn, không cho xe cơ giới tiếp tục đổ đất làm đê và có lời đe dọa lực lượng thi công.

Lý do cản trở thi công bắt đầu từ việc 17 hộ dân có diện tích canh tác muối đòi nhận đủ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và không được đặt cống, đổ đất qua lạch Nhiếm và lạch Đạo làm đường đi cho các phương tiện cơ giới, thì mới đồng ý cho tiếp tục thi công.

Ngày 24.3.2008, UBND xã Cát Minh, UBND huyện Phù Cát và Ban QLDATL đã mời các hộ này họp để giải quyết những vướng mắc. Sau khi nghe phân tích về tình hình khó khăn về kinh phí  BTGPMB, Hội đồng BTGPMB mới chi trả khoảng 2/3 mức bồi thường, số còn lại sẽ trả dứt điểm vào đầu năm 2009; việc đặt cống, đổ đất qua lạch Nhiếm và lạch Đạo chỉ là tạm thời để phục vụ vận chuyển đất đá làm đê bao cho những đoạn tiếp theo, sau khi công trình hoàn thành sẽ tháo dỡ, trả lại lòng lạch phục vụ đường thủy và làm nơi trú ẩn cho tàu, thuyền mùa mưa lũ; đây là công trình phục vụ dân sinh, chỉ có người dân ở vùng này hưởng lợi; nên nhiều hộ đã đồng tình, còn lại 6 hộ chưa đồng ý giao mặt bằng. Như hộ bà Trần Thị Hợi, yêu cầu làm cống mới (đã có cống cũ) và nhận đủ tiền bồi thường mới cho thi công; hộ ông Trương Việt Anh đòi trả tiền bồi thường trước. Cá biệt có hộ ông Nguyễn Dợi đang sử dụng đìa công ích của UBND xã vẫn ngăn cản, đòi BTGPMB cho ông mới tiếp tục thi công(!)

Hàng vạn gốc đước, mắm trên 20 năm tuổi được các hộ dân phá bỏ giao mặt bằng cho dự án, giờ bỏ không.

Khác với một số hộ cố tình cản trở thi công công trình vì lợi ích chung, có hàng chục hộ dân đã rất tích cực tạo điều kiện để GPMB, dù họ phải chịu nhiều thiệt thòi, như: đìa của ông Nguyễn Mười phải chặt bỏ hàng vạn cây đước, cây mắm chắn sóng đã trên 20 năm tuổi để giao đất cho công trình; hộ ông Nguyễn Hùng phải tháo gỡ hàng vạn viên đá, chặt hàng trăm cây đước, cây đưng làm bờ chắn sóng để giao đất; còn các hộ khác phải cưa bỏ cọc tre, tháo dỡ bờ đá để giao mặt bằng.

Từ lúc phá bờ chắn sóng, các đìa nuôi trồng thủy sản, các ruộng muối của những hộ nêu trên bị ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, thất thoát mùa vụ, thậm chí có đìa không sản xuất được, như hộ của ông Nguyễn Mười. Nguy hại hơn là vào mùa mưa lũ, đê bao chắn sóng bị tháo dỡ nên dẫn đến việc sa bồi, thủy phá các ruộng muối, gây tốn kém tiền san lấp, nạo vét và bồi đắp bờ của trên 500 đám ruộng muối vùng này. Hiện nay đang là mùa vụ của diêm dân vùng này nhưng nỗi lo mất trắng do lũ tiểu mãn 2008 đang canh cánh đối với họ, bởi công trình đê bao còn dang dở.

Tại Thông báo số 444/SNN-TL, ngày 20.3.2008 của Sở NN&PTNT có nội dung: “Trong trường hợp không có sự đồng thuận của nhân dân vùng hưởng lợi, Sở NN&PTNT sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh xin phép hoàn thiện khối lượng công việc đã thực hiện và kết thúc dự án, vì thời gian và nguồn vốn không được phép kéo dài”. Như vậy, hạng mục đê chắn sóng được xây dựng mới và kiên cố cũng sẽ không có tác dụng khi mà còn gần 1 km đê chưa được xây dựng và đã bị tháo dỡ phần bờ chắn cũ.

Để đáp ứng nguyện vọng vì lợi ích chung của đông đảo nhân dân vùng muối Đề Gi, tránh lãng phí công, của của nhà nước và nhân dân, UBND huyện Phù Cát cần phải đưa ra biện pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc, gây cản trở cho công trình dân sinh.

  • Nguyên Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miễn thủy lợi phí bằng cách nào?  (30/04/2008)
Cảnh giác với hỏa hoạn trong mùa khô  (30/04/2008)
Chúng tôi cần sự can thiệp của chính quyền  (30/04/2008)
Cán bộ vi phạm Luật Đất đai sao không xử lý ?  (28/04/2008)
Hãy bảo vệ nguồn nước ngọt ở Hội Thành  (25/04/2008)
Nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước sẽ được sắp xếp lại và xử lý  (25/04/2008)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (25/04/2008)
Trồng rừng trên đất… phù sa !  (24/04/2008)
Cống xả nước thải… giữa trời !  (23/04/2008)
Trung tâm truyền hình cáp Quy Nhơn đã chủ động tạm dừng điều chỉnh tăng giá thuê bao  (23/04/2008)
Một quyết định không hợp thời và mất lòng khách hàng  (18/04/2008)
Trả lời việc hồ Bàu Sen bị ô nhiễm  (18/04/2008)
Yêu cầu xin giao đất ở của bà Thủy là chính đáng  (18/04/2008)
Chỉ phát hành một loại vé XSKT vào ngày 2.4.2008  (16/04/2008)
Treo cờ Tổ quốc trên vỉa hè, nên chăng?  (16/04/2008)