|
Ông Huỳnh Văn Chưa (phải) và ông Nguyễn Ánh Quang (trái) trao giấy khai sinh, sổ hộ khẩu cho anh Quý. Ảnh: N.D |
Đó là chuyện về một người khuyết tật tên Quý, từ khi sinh ra đến nay đã hơn 40 năm, nhưng Quý không hề biết cha mẹ, người thân, quê quán, và nhất là chưa hề có được quyền công dân thật sự như mọi người trưởng thành khác.
* Bị bỏ quên hơn 40 năm
Một ngày đầu tháng 4.2008, Báo Bình Định tiếp một bạn đọc nam, trạc tuổi trên bốn mươi, là người khuyết tật (teo 2 chi dưới). Anh giới thiệu là Huỳnh Trọng Quý, nhưng đó không phải là họ, tên của cha mẹ đặt cho và anh cũng không biết cha mẹ mình là ai. Anh nhờ Báo Bình Định tư vấn, giúp đỡ anh làm giấy tờ tùy thân, như: giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân …; bởi hơn 40 năm nay, về mặt pháp lý anh chưa được Nhà nước thừa nhận là công dân mang quốc tịch Việt Nam(!)
Không nhớ chính xác sinh ra vào thời điểm nào, anh Quý chỉ nhớ mang máng lúc 3 - 4 tuổi, anh sống trong Cô nhi viện Từ Tâm (nay là Trường THPT Trần Cao Vân, TP. Quy Nhơn). Tên Huỳnh Trọng Quý là lấy theo họ của nhà sư đã cưu mang anh. Những năm cuối thập niên 70, Quý lê lết thân hình bé nhỏ, tật nguyền để mưu sinh ở nhiều nơi. Anh đã học và trải qua rất nhiều nghề để kiếm cơm nhưng trụ lại có lẽ lâu dài là Cơ sở xe máy, xe lắc dành cho người khuyết tật của anh Võ Đình Minh (người sáng tạo số lùi xe máy dành cho người khuyết tật). Hiện anh Quý là Chi hội phó Chi hội Khuyết tật Sức sống Quy Nhơn, thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Bình Định.
Chúng tôi đã tư vấn và giới thiệu anh Quý sang Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Bình Định để được giúp đỡ.
* Khai sinh sau 44 năm
Ngày 13.4.2008, Trung tâm TGPL tiếp nhận yêu cầu TGPL miễn phí cho anh Quý. Quý được xem là “khách đặc biệt” và đầu tiên mà Trung tâm TGPL đại diện ngoài tố tụng (theo Điều 30 Luật TGPL). Biết được hoàn cảnh “đặc biệt” của anh Quý qua trình bày, Giám đốc Trung tâm đã tiếp nhận yêu cầu và ra quyết định cử Trợ giúp viên (TGV) pháp lý Nguyễn Ánh Quang đại diện ngoài tố tụng cho anh Quý.
Quy trình truy nguyên nguồn gốc để xác lập thủ tục làm các loại giấy tờ cho anh Quý cũng rất đặc biệt. Các thủ tục đi xác nhận và đại diện cho anh Quý đều có TGV Nguyễn Ánh Quang song hành với anh. Hiện anh Quý đang trú ngụ tại phường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn, nên đăng ký khai sinh tại phường này. Có lẽ giấy khai sinh của Huỳnh Trọng Quý cũng là tờ khai sinh đặc biệt nhất ở Bình Định. Mục tên cha, mẹ bỏ trống; nơi sinh cũng bỏ trống; còn ngày tháng năm sinh là 1.2.1964, nhưng ngày cấp giấy khai sinh là 14.4.2008 (cách 44 năm). Có được khai sinh, TGV có cơ sở giúp anh Quý đăng ký hộ khẩu tại gia đình một người quen của anh Quý ở TP. Quy Nhơn.
Ngày 6.5 vừa qua Trung tâm TGPL đã giúp anh Quý khâu cuối cùng: làm chứng minh nhân dân cho anh tại Công an TP. Quy Nhơn.
Trong vòng 1 tháng, Trung tâm TGPL đã hoàn tất việc trợ giúp và mời anh Quý đến nhận các loại giấy tờ. Khi anh Quý chính thức cầm trên tay những giấy tờ tùy thân mà trước đây có nằm mơ cũng không thấy được, anh đã khóc bằng những giọt nước mắt sung sướng và hạnh phúc.
Ông Huỳnh Văn Chưa – Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Bình Định: Cần phải ưu ái giúp đỡ người tàn tật
Việc giúp anh Huỳnh Trọng Quý là trường hợp rất đặc biệt. Quan điểm của Trung tâm là người tàn tật vốn thiệt thòi về nhiều mặt, thì đừng để họ phải thiệt thòi hơn nữa, mà phải ưu ái giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn trước mắt. Hiện nay Trung tâm đang khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và biên chế có hạn, nhưng chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để những người nghèo, đối tượng chính sách và những người như anh Quý được hưởng quyền lợi về mặt pháp lý. | |