|
Cụ Lăng bên phần đất chuẩn bị xây dựng, tu sửa nhà cửa nhưng bị những người cháu cản trở. Ảnh: X.T |
Tại xóm Tân Vân Nam, thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước), có 3 gia đình cùng huyết thống sống trên mảnh đất do ông, bà để lại. Trong đó, gia đình cụ Nguyễn Thị Lăng không có con trai, sau khi người chồng chết, cụ Lăng đã già yếu, cháu ngoại muốn tu sửa nhà cửa thì bị các gia đình kia ngăn cản. Họ cho rằng sau khi cụ Lăng qua đời, thì phần nhà cửa đất đai của cụ chỉ được những người có con trai trong họ thừa kế (!) Vụ việc đã được gia đình cụ Lăng báo cáo đến chính quyền địa phương, nhưng gần một năm nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Thửa đất đang tranh chấp rộng 1.040m2, có nguồn gốc của ông Nguyễn Văn Lúa. Ông Lúa qua đời từ lâu, thửa đất này con, cháu tiếp tục sử dụng. Theo hồ sơ địa chính năm 2000, thửa đất này thể hiện gồm 3 thửa nhỏ: Ông Nguyễn Đức Thu (cháu nội ông Lúa) sử dụng thửa số 348A, diện tích 370 m2; con trai ông Thu là Nguyễn Đức Đông sử dụng thửa số 348 B, diện tích 370 m2; thửa còn lại số 340, diện tích 300 m2, ông Nguyễn Thập (chú ruột ông Thu) sử dụng từ năm 1964. Khi ông Thập chết, vợ ông là bà Nguyễn Thị Lăng (1916) tiếp tục sử dụng ổn định cho đến nay. Tháng 7.2007, khi anh Trần Đình Khải (kêu cụ Lăng bằng bà ngoại) tiến hành sửa sang lại nhà ở vì quá dột nát, thì bị ông Nguyễn Đức Thu (kêu bà Lăng bằng thím) cùng các con trai của mình là Nguyễn Đức Đông, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Đức Chúng kéo đến cản trở, không cho xây dựng.
Ngày 10.8.2007, Ban nhân dân thôn Quảng Vân đã họp phân tích, hòa giải nhưng sự việc không thành. Bởi ông Thu cho rằng: đây là đất của ông nội ông để lại, có trích lục cho cha ông, còn ông chú, bà thím (ông Thập, bà Lăng) chỉ ở nhờ. Hơn nữa ông chú, bà thím lại không có con trai, chỉ có con gái nên ở hết đời của thím rồi giao lại đất cho ông, không được sang nhượng hoặc cho ai khác kể cả cháu ngoại.
Trong khi đó, theo cụ Nguyễn Thị Lăng, lúc 20 tuổi (năm 1936) bà về làm dâu nhà chồng, đã được ra ở riêng trên khoảnh đất này do cha mẹ cho, đến nay là 62 năm. Nhà nước cũng đã thừa nhận theo đơn đăng ký quyền sử dụng đất ngày 20.6.1996 của gia đình bà, nên bà muốn cho cháu ngoại thừa kế là hợp pháp.
Ông Huỳnh Tấn Phi, phụ trách địa chính xã Phước Thuận, cho biết: Quan niệm phân biệt đối xử giữa cháu nội, cháu ngoại; con trai, con gái trong việc thừa hưởng di sản thừa kế (không có di chúc) của ông bà là không đúng với những quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai hiện hành. UBND xã Phước Thuận đã tiếp nhận đơn, chỉ đạo thôn hòa giải hai gia đình nhưng không thành. Từ đó đến nay địa phương gặp lúc bận rộn công tác giao quyền sử dụng đất đai đại trà trong nhân dân, hơn nữa cán bộ tư pháp xã đi học nghiệp vụ, nên có chậm giải quyết vụ việc. Các bộ phận giúp việc đang củng cố thủ tục, xác minh vụ việc làm cơ sở để UBND xã giải quyết dứt điểm trong tháng 7.2008.
|