|
Các bản án và quyết định giải quyết của TAND huyện Vân Canh. |
Canh Thuận là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Vân Canh, với 98% số dân là người dân tộc thiểu số. Xã đang hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2, nguồn thu hàng năm không có, nên ngân sách cấp trên hầu như phải cấp 100%, nhưng các cơ quan hành chính nhà nước của xã Canh Thuận lại siêng “tiếp khách” rồi để nợ tiền quán cơm Thanh Lan, do bà Đào Thị Thiết, ở thôn Thịnh Văn II, thị trấn Vân Canh, làm chủ. Không đòi được nợ, bà Thiết đã khởi kiện ra TAND, án có hiệu lực nhưng cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) khó có hướng giải quyết dứt điểm.
Từ năm 1998 đến năm 2004, một số lãnh đạo của xã Canh Thuận tiếp khách và nợ tại quán Thanh Lan của bà Thiết tổng cộng hơn 44 triệu đồng. Trong đó, Đảng ủy xã nợ 13,6 triệu đồng. Bà Thiết đòi nhiều lần, nhưng… nợ công nên ít ai quan tâm đến việc trả nợ cho bà (!). Tương tự, lãnh đạo HĐND xã Canh Thuận cũng tiếp khách và nợ quán cơm bà Thiết gần 3,8 triệu đồng. Nợ quán bà Thiết đầm đìa và dai dẳng nhất là các bộ phận thuộc UBND xã Canh Thuận, với số nợ 26,6 triệu đồng (gồm: Văn phòng UBND xã nợ 13,3 triệu đồng, Tư pháp xã nợ gần 1,9 triệu đồng, Địa chính xã nợ gần 7,6 triệu đồng và Xã đội nợ hơn 3,8 triệu đồng).
Điểm chung của các cơ quan này là lãnh đạo các nhiệm kỳ trước khi hết nhiệm kỳ hoặc chuyển sang làm việc khác đều không bàn giao các khoản nợ bà Thiết cho người kế nhiệm, vì vậy lãnh đạo mới của các cơ quan này đều không biết và không có trách nhiệm phải trả. Cuối năm 2007 và đầu năm 2008, bà Thiết phải nhờ đến TAND huyện Vân Canh giải quyết “tranh chấp hợp đồng dịch vụ” với các cơ quan này.
Qua gần 1 năm án có hiệu lực thi hành, các bị đơn trong vụ án vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí nào phù hợp để THADS cho bà Thiết. Chấp hành viên đã nhiều lần thông báo đến Đảng ủy, HĐND, UBND xã Canh Thuận, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ THADS, nhưng chưa thu được một khoản nào, kể cả án phí. Trước đó khi trả lời Hội đồng xét xử, các đại diện của 3 cơ quan này đều hứa sẽ dùng khoản tiết kiệm từ kinh phí chi thường xuyên của cơ quan để trả, tuy nhiên cho đến nay chưa cơ quan nào thực hiện được. Trong khi đó, các khoản chưa thi hành xong thì bên phải THADS còn phải chịu khoản tiền lãi suất nợ quá hạn do ngân hàng nhà nước quy định, nên các cơ quan này phải đối mặt với số nợ ngày càng lớn hơn.
Theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh THADS ngày 14.1.2004 và Điều 4 của Nghị định 173/2004/NĐ-CP, ngày 30.9.2004 của Chính phủ thì các loại tài sản của cơ quan nhà nước hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp, thì không dùng làm tài sản để đảm bảo thi hành án. Theo quy định của pháp luật về THADS, cơ quan THADS không được kê biên các tài sản do ngân sách nhà nước cấp, mà yêu cầu các cơ quan, tổ chức đó làm văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để THADS. Cụ thể là 3 cơ quan này phải lập tờ trình xin hỗ trợ tài chính của cấp huyện để THADS cho bà Đào Thị Thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với mọi đối tượng THADS.
|