Gần đây, nhiều hộ dân ở các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Thuận và Canh Hòa (Vân Canh) đã đua nhau lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng rừng. Trong đó, xã Canh Hiển là nơi có tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp (không có rừng) diễn biến rất phức tạp.
|
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo với khoảnh rừng trồng trái phép khoảng 2,6ha.
|
Theo ông Trần Văn Đức, cán bộ địa chính xã Canh Hiển, vừa qua đã có 4 hộ ở xã này bị UBND huyện Vân Canh ra quyết định xử phạt hành chính, với mức từ 6 đến 15 triệu đồng, vì tự ý lấn chiếm đất rừng trái phép. Việc lấn chiếm đất rừng xảy ra là do xã Canh Hiển chưa quy hoạch đất lâm nghiệp, nên bà con “xí phần” trước để trở thành rừng trồng của hộ cá thể, tạo công ăn, việc làm và nguồn lợi từ rừng; đồng thời để tham gia hưởng lợi vay vốn từ dự án WB3 (mặc dù xã Canh Hiển không nằm trong dự án này).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở thôn Hiển Đông, gia đình có 5 nhân khẩu, 3 đứa con đang tuổi ăn học. Cuộc sống gia đình còn khó khăn, gia đình không có đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp thì quá ít, chỉ làm thuê làm mướn kiếm sống, nên vợ chồng bà đã tự ý phát dọn rừng, lấn chiếm hơn 2,6 ha đất và đã trồng xong cây keo lai. Sau khi bị UBND huyện Vân Canh xử phạt hành chính 15 triệu đồng bà Thảo mới vỡ lẽ: “Năm 2005, tui cùng nhiều hộ dân khác trong thôn thấy một số cán bộ xã phát thực bì trồng rừng vùng suối Mỡ Dây, chúng tôi cũng tranh thủ làm theo, chứ đâu biết họ có làm giấy xin huyện cấp đất trồng rừng. Không có tiền đầu tư, tôi cùng các hộ khác được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp vay Ngân hàng Chính sách được 30 triệu đồng để kinh doanh trồng rừng, cộng với tiền vài chục triệu đồng gia đình dành dụm lâu nay đầu tư hết vào rừng. Bây giờ huyện ra quyết định xử phạt, tôi mới biết sai. Nếu cán bộ địa phương ngăn chặn từ đầu, thì tôi đâu dám vay số tiền lớn để chi vào việc trồng rừng, bây giờ nhà tôi chắc phá sản”. Hiện gia đình bà Thảo mới nộp phạt hành chính được 7 triệu đồng, đang có nguy cơ bị cưỡng chế.
Còn bà Lê Thị Ký, thuộc hộ nghèo ở thôn Hiển Đông (Canh Hiển), cũng bị xử phạt hành chính 6 triệu đồng, vì chiếm hơn 0,5 ha đất lâm nghiệp, thì tỏ ra ân hận: “Tôi nhận quyết định xử phạt mà bủn rủn tay chân. Tài sản không có, đang ở nhờ nhà cha mẹ nên tiền đâu mà nộp. Tôi biết sai, làm giấy trả đất xin khỏi phạt, nhưng không được chấp nhận, vừa rồi có quyết định cưỡng chế của huyện mà tiền vay kinh doanh trồng rừng đã thuê mướn phát dọn thực bì và mua cây giống hết rồi (!)”.
|
Giấy đề nghị vay vốn (trồng rừng) và khế ước nhận nợ của bà Thảo, có chữ ký xác nhận của Hội Phụ nữ xã Canh Hiển. |
Việc các hộ tự ý lấn chiếm đất rừng diễn ra thời gian qua tại xã Canh Hiển cần phải được xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, việc một số cán bộ địa phương được huyện cấp phép sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích hàng chục ha; trong khi đó nhiều hộ dân nghèo, đông con, sống cạnh rừng lại không có đất sản xuất, dẫn đến nảy sinh việc lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép là điều mà chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần phải quan tâm.
Ông Đoàn Xuân Hoàng, Trưởng thôn Hiển Đông, cho biết: “Không phải chỉ mấy hộ bị phạt trên lấn chiếm đất lâm nghiệp, mà ở thôn này còn nhiều hộ khác lấn chiếm đất lâm nghiệp. Nhưng họ không bị phát hiện và bị xử phạt là do lấn phát sang đất rừng xã khác. Những hộ lỡ lấn chiếm đất trồng rừng, đã nộp phạt hành chính, cấp trên nên xem xét tạo điều kiện cấp đất cho họ khi đủ điều kiện, để người dân có việc làm và ổn định đời sống, vì thôn Hiển Đông hiện có gần 50% hộ nghèo do thiếu đất sản xuất”.
Rất khó hiểu là nhiều chị em phụ nữ được Hội Phụ nữ xã Canh Hiển xác nhận tín chấp vay vốn từ Ngân hàng CSXH để kinh doanh trồng rừng, trong khi họ không có đất rừng được Nhà nước giao mà lại là đất lấn chiếm, như hộ bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hộ bà Lê Thị Ký vay đến 30 triệu đồng/ hộ. Bà Thảo, bà Ký đã ngộ nhận việc xác nhận tín chấp vay (trồng rừng) này là cơ sở để hợp thức hóa quyền sử dụng đất lâm nghiệp của họ. Hậu quả, là nhiều hộ nghèo lấn chiếm đất lâm nghiệp ở xã Canh Hiển đã mất “cả chì lẫn chài” cho hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của mình.
Tình trạng lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Canh Hiển hiện đã được kiểm soát, đã có sự can thiệp tích cực từ chính quyền địa phương và Hạt kiểm lâm. Tuy nhiên, bức xúc của nhiều người dân xã Canh Hiển hiện nay là sống gần rừng lại không được bám rừng để sống, để phát triển kinh tế hộ. Vấn đề này chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm, sớm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp để cấp có thẩm quyền xem xét cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân sử dụng lâu dài, góp phần xóa đói, giảm nghèo ổn định đời sống cho nhân dân.
|