Tuy việc khai thác đất ở núi Kỳ Sơn (phần thuộc địa phận thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận, Tuy Phước) chấm dứt từ lâu nhưng người dân nơi đây vẫn canh cánh nỗi lo về những tác hại do việc khai thác không có quy hoạch gây ra.
|
Việc khai thác đất không có quy hoạch làm tăng độ dốc sườn núi khiến nước lũ chảy mạnh kéo theo nhiều đất bồi lấp kênh mương. Ảnh: B.S
|
* Hệ quả của khai thác không quy hoạch
Núi Kỳ Sơn phần thuộc địa phận thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận (Tuy Phước) tiếp giáp với tỉnh lộ 640 về phía tây. Theo chủ trương của UBND tỉnh về quy hoạch các điểm khai thác đất phục vụ san lấp các công trình xây dựng, các công trình trên địa bàn huyện Tuy Phước sẽ được san lấp từ đất lấy từ núi Kỳ Sơn. Chính vì thế, từ tháng 8.2007, nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành đã tiến hành khai thác đất ở núi Kỳ Sơn thuộc địa phận thôn Liêm Thuận (Phước Thuận) để lấp đồng Sam, phục vụ công tác quy hoạch khu dân cư xã Phước Thuận.
Tuy nhiên, việc khai thác đất nói trên đã tạo ra những hệ quả xấu, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con trong thôn. Một khối lượng lớn đất núi bị lấy đi đã khiến độ dốc sườn núi tăng lên làm nước chảy mạnh hơn, tràn vào nhà dân. Ngoài ra, nước lũ còn kéo theo một lượng đất núi khá lớn bồi cạn suối, kênh, trong đó có mương N68 (dẫn nước tưới cho khoảng 60 ha ruộng lúa của thôn Liêm Thuận và Lộc Hạ). Tuy việc này chưa gây ra hậu quả vì ngay sau đó Ban quản lý thủy nông huyện đã tiến hành nạo vét mương nhưng khiến nhiều người dân Liêm Thuận lo lắng: Mới mùa mưa đầu mà đã thế, sau này thì còn ảnh hưởng đến mức nào nữa?
Sau khi người dân có ý kiến, tháng 1.2008, đoàn thanh tra Sở TN-MT tỉnh, Phòng TN-MT huyện Tuy Phước đã về kiểm tra và kết luận: đình chỉ việc khai thác đất trái phép (không có hồ sơ quy hoạch khai thác) của Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành và yêu cầu công ty phải trả lại mặt bằng nơi khai thác. Từ tháng 2.2008 đến nay, công ty này đã dừng việc khai thác đất tại đây. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa giải tỏa hết những bức xúc của người dân địa phương.
Ông Lê Thành Mậu (xóm Đông, thôn Liêm Thuận) nêu ý kiến: “Đất núi đã được giao quyền sử dụng cho dân trồng rừng theo chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc để chống xói mòn. Bây giờ nhà thầu khai thác khiến núi bị lồi lõm, trơ đất thì sau khi làm xong phải khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại cây như cũ”. Còn bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh (xóm Nam, thôn Liêm Thuận), nhà ngay dưới chân núi Kỳ Sơn thì than thở: “Mấy năm trước cũng lụt nhưng năm rồi nước chảy mạnh hơn, ngập hết nhà tôi”. Rồi bà chỉ vào dòng suối cạn khô dẫn nước từ núi Kỳ Sơn xuống đường chảy sát bên hông nhà lý giải: “Đất núi chảy xuống nhiều quá, lấp cạn một nửa lòng suối nên nước mới tràn lên đường, chảy vô nhà nhiều như vậy”. Ông Châu Văn Lễ, trưởng thôn Liêm Thuận nói: “Nhà thầu đã khai thác đất không có quy hoạch, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Chúng tôi yêu cầu nhà thầu phải khắc phục hậu quả”.
* Cần đồng cảm hơn với dân
Sau khi ghi nhận ý kiến của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Phước Thuận. Về việc nhà thầu phải trả lại mặt bằng nơi khai thác đất, ông Huỳnh Tấn Phi, cán bộ địa chính xã Phước Thuận, cho biết: Có 9 hộ trong xã được giao đất trồng rừng thuộc núi Kỳ Sơn với tổng diện tích là 26,5 ha. Trong số này chỉ có 2 ha nằm trong điểm khai thác đất và nhà thầu đã có hợp đồng đền bù cho chủ rừng. Tuy nhiên, họ mới khai thác 0,5 ha rừng thì gặp đá nên không lấy đất được nữa. Trong thỏa thuận giữa nhà thầu và chủ đất đã tính đến việc đền bù để người dân trồng lại rừng.
Giải đáp bức xúc của người dân về việc nước lũ và cát tràn xuống đường quá nhiều, bồi lấp kênh mương, ông Huỳnh Tấn Phi cho rằng: “Việc đất núi chảy xuống nhiều là có, nhưng đó chỉ là ở cơn mưa đầu tiên do vẫn còn một lượng đất cốm rơi vãi sau khai thác. Còn mùa mưa sau thì ổn định thôi”. Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Đắc Ngà, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Phước Thuận lý giải: “Năm nào mưa lũ cũng gây hiện tượng sa bồi thủy phá, năm 2007 vừa rồi thì mưa nhiều và dày hơn mọi năm nên lượng đất bồi lấp kênh mương nhiều gấp đôi các năm trước là điều hiển nhiên”.
Theo chúng tôi, việc yêu cầu nhà thầu trồng lại cây trên núi là khó khả thi vì họ đã khai thác hết đất phần bề mặt (bên dưới là đá). Tuy nhiên, nhà thầu cần phải san lấp những chỗ lồi lõm trên sườn núi do lấy đất để hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở trong mùa mưa. Việc nạo vét con suối dẫn nước từ núi xuống đường cũng cần được tiến hành trước mùa mưa lũ năm nay. Mặt khác, chính quyền xã Phước Thuận cũng nên giải thích cho dân hiểu rõ về chủ trương của nhà nước trong việc khai thác đất để san lấp các công trình xây dựng trên địa bàn, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, yêu cầu nhà thầu có quy hoạch khai thác, tránh làm bừa bãi, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Quan trọng nhất ở đây, theo chúng tôi, chính là sự đồng cảm của chính quyền địa phương với người dân, để có thể lắng nghe và hiểu rõ hơn những bức xúc, nguyện vọng của họ. Có như vậy thì dù vấn đề khó đến đâu cũng có thể giải quyết được.
|