KHU VỰC KIM CHÂU (THỊ TRẤN BÌNH ĐỊNH):
Phập phồng khi mùa lũ về
14:10', 13/8/ 2008 (GMT+7)

Mùa mưa lũ đang đến gần, nhiều địa phương trong huyện An Nhơn đang triển khai công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, cố gắng huy động sức dân tu sửa, gia cố đê sông Côn để hạn chế sạt lở. Nhưng do thiếu kinh phí nên việc khắc phục chỉ mang tính tạm thời, chắp vá “nóng đâu, phủi đấy” nên người dân vẫn còn nỗi lo phập phồng khi mùa lũ về. Khu vực Kim Châu (thị trấn Bình Định) là một nơi như vậy.

 

Đê Đám Rơm khu vực Kim Châu (thị trấn Bình Định - An Nhơn) bị lũ phá vỡ năm ngoái, nay thị trấn đầu tư kinh phí 67 triệu đồng đắp lại bằng khại, cọc tre. Ảnh:  Xuân Thức

 

Kim Châu có hơn 3,5km đê sông Côn chảy qua, mùa lũ năm ngoái tại tổ 1 đã vỡ đứt 2 đoạn đê sông với chiều dài gần 100 mét, gây sa bồi hơn 2 ha vùng ruộng Đám Rơm và làm ngập lụt 300 căn nhà. Thị trấn phải di dời khẩn cấp 6 hộ dân nhà ở sát sông bị nước ngập sâu từ 1 – 2 mét. Ngoài ra, do vỡ đê nước dâng cao gây ngập lụt khu vực các khu dân cư đường Mai Xuân Thưởng, Minh Khai, Lê Hồng Phong, đường Thanh Niên và khu vực Liêm Trực. Ông Hồ Văn Thống, phụ trách giao thông - thủy lợi thị trấn, cho biết: “Đê sông Côn chảy qua địa phương bị sạt lở nhiều chỗ, những năm qua đê vỡ gây mất đất sản xuất khá nhiều, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Biết vậy, nhưng không thể nào tu bổ, gia cố khắc phục được vì kinh phí lớn quá. Bức xúc, mới rồi thị trấn xuất ngân sách 67 triệu đồng đắp lại đoạn đê Đám Rơm dài 50 mét bị vỡ năm ngoái bằng khại, cọc tre và đất. Trước đó trong tháng 5 huyện cũng đầu tư 40 triệu đồng khắc phục xong 1 đoạn đê trên cầu Long Quang dài 40 mét cũng bằng khại và cọc tre, rồi đổ đất trồng cỏ phủ lên trên chống xói lở”.

Việc đắp lại các đoạn đê vỡ trên còn mang tính tạm thời, không thể bảo đảm chắc chắn chống đỡ với lũ lụt. Hơn nữa, hiện tượng xâm thực vào lòng đê gây nguy cơ vỡ đê khá cao. Ông Lê Xuân Lễ, một người dân ở tổ 1 (Kim Châu) ái ngại nói: “Cứ nói đến lũ lụt bà con chúng tôi sợ lắm, mùa lũ năm ngoái đê sông bị vỡ nước tràn vào nhà rất nhanh không kịp dọn đồ đạc, thóc lúa. Còn heo, bò… ngập chết khá nhiều, năm nay bà con bỏ không dám chăn nuôi nữa. Mong ước của bà con là Nhà nước quan tâm làm bờ kè sông Côn bằng đá hay bê tông sớm chừng nào tốt chừng nấy. Chứ đắp đất không bảo đảm, lũ đến rồi đâu cũng vào đấy”. Hiện tại có khoảng 97 hộ dân ở Tổ 1 (Kim Châu) và 60 hộ dân ở Tổ 9 (Liêm Trực) nằm trong vùng sạt lở, nước ngập nguy hiểm, thị trấn đã có phương án di dời, nhưng bà con cũng thấy không mấy an tâm. Đi men theo tuyến đê sông Côn từ cầu Long Quang (Kim Châu) đến giáp xã Nhơn Khánh, nhìn thân đê bị bào mòn theo năm tháng, nhiều đoạn mặt đê chỉ còn 1 mét ai cũng hết sức ái ngại, canh cánh nỗi lo vỡ đê trong mùa mưa lũ năm nay.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Khu vực trưởng Kim Châu, nếu không tu bổ, gia cố toàn tuyến đê sông Côn kịp thời, thì mùa lũ đến nguy cơ vỡ đê rất cao gây sa bồi thủy phá mất đất sản xuất, ngập nhà cửa, ruộng vườn.

  • Xuân Thức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điện ưu tiên cũng bị cúp tùy tiện  (13/08/2008)
Hướng tới Festival lần 2  (08/08/2008)
Chơi cây cảnh hay phá rừng ?  (08/08/2008)
Đừng quên còn có họ  (07/08/2008)
Hướng dẫn mới về chính sách hỗ trợ cho ngư dân  (06/08/2008)
Hố ga gây ô nhiễm  (06/08/2008)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (01/08/2008)
Vẫn dậm chân tại chỗ  (01/08/2008)
Người phụ nữ này là ai?  (30/07/2008)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người khó khăn  (25/07/2008)
Thấp thỏm khi mùa mưa tới  (25/07/2008)
Thấy gì qua những tấm băng rôn quảng bá Festival Tây Sơn-Bình Định ?  (24/07/2008)
Chiếm đất lâm nghiệp, thiệt hại phải mang  (24/07/2008)
Cơ quan hành chính mắc nợ, thi hành án theo hướng nào?  (23/07/2008)
Ôi cái đuôi chuột !  (23/07/2008)