Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thời gian qua Báo Bình Định đã mở 2 chuyên mục: “Nhịp cầu nhân ái” (báo in), “Cùng chia sẻ nỗi đau” (báo điện tử) để thông tin đến bạn đọc những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó Báo Bình Định ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn đọc trong và ngoài nước, góp phần chia sẻ những nỗi bất hạnh ở đời.
|
Bác sĩ Trang Xuân Chi trao sổ tiết kiệm do bạn đọc Báo Bình Định tặng cho 5 chị em mồ côi cha và mẹ ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn. Ảnh: N.D
|
Mỗi năm, Báo Bình Định tiếp nhận hàng trăm triệu đồng nhờ chuyển đến những địa chỉ cần được giúp đỡ. Có nhiều người không giàu có gì nhưng hàng tháng vẫn trích một phần lương có khi 100 ngàn, có khi 50 ngàn đồng nhờ Báo chuyển đến giúp người nghèo. Cụ Nguyễn Thị Cung (84 tuổi), ở 115B Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn là một ví dụ. Hàng quý cụ bà dành dụm số tiền ăn trầu, tiêu vặt do con, cháu biếu, nhờ người mang đến tặng cho người nghèo. Một số sinh viên học ở xa, hay tin Bình Định bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt, nhiều em đã viết thư tâm sự với gia đình, nhín lại một phần tiền cha mẹ gửi ăn, học để nhờ Báo Bình Định chuyển đến những gia đình bị thiệt hại. Nhiều người Việt sống ở nước ngoài, thông qua mục “Cùng chia sẻ nỗi đau” Báo Bình Định (điện tử) cũng thường xuyên giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Có nhiều nhà hảo tâm xem việc chia sẻ nỗi đau của người bất hạnh như một phần cuộc sống của họ. Nhiều năm nay chị Châu Ngọc Cẩm (96 Ngô Mây, TP. Quy Nhơn) miệt mài làm từ thiện, âm thầm giúp đỡ những số phận kém may mắn bằng tất cả lương tháng của giáo viên và một phần hỗ trợ của chồng. Mới đây, nhân đọc trên báo Bình Định, biết em Nguyễn Thành Tật, ở xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn bị tàn tật, nhưng vẫn cố gắng học hết THPT và đang chờ kết quả kỳ thi đại học, chị Cẩm liền gọi điện đến tòa soạn nhờ chuyển lời đến em Tật, nếu em vào học bất kỳ trường nào, chị Cẩm sẽ hỗ trợ 200.000 đồng/tháng cho đến khi mãn khóa học. Anh Nguyễn Quang K. - một chủ doanh nghiệp xây dựng nhỏ cứ đều đặn làm từ thiện mà không cần người nhận phải tri ân. Như việc anh âm thầm giúp cho 5 cháu mồ côi (Phương, Khương, Hoàng, Viễn, Hương), ở tổ 27, KV 4, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn toàn bộ tiền công xây dựng ngôi nhà (gần 15 triệu đồng) mà không yêu cầu công bố, hoặc ghi tên vào bảng tài trợ.
Báo Bình Định đã dần trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy để nhiều cá nhân, tập thể kết nối tình đồng loại. Giờ đây nhiều nhà hảo tâm đã vận động bạn bè, đồng nghiệp, người thân cùng chung tay làm từ thiện. Đã có một số tập thể thường xuyên đến với “Nhịp cầu nhân ái” Báo Bình Định, với những cái tên quen thuộc như: Tập thể lớp 12A1 và một số giáo viên Trường Quốc Học Quy Nhơn; Câu lạc bộ các doanh nhân Đồ điện Quy Nhơn; cán bộ, nhân viên Công ty ATT, Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam, chi nhánh tại Bình Định; Chi đoàn Thanh niên Cảng vụ Quy Nhơn, Công ty TNHH TM Thu Hương…; hoặc anh em Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Xuân Nhật, ở 298 Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn; chị Nguyệt, chị Nga nhà ở đường Phan Bội Châu, TP. Quy Nhơn cùng những người bạn thường quyên góp giúp đỡ người nghèo…
Với những tấm lòng nhân ái của bạn đọc Báo Bình Định, đã có nhiều số phận kém may mắn có cơ hội được chữa bệnh, được cứu sống, hướng đến một tương lai có nhiều hy vọng, như: Bác sĩ Trần Đăng Tân, Trung tâm Mắt Bình Định bị suy thận mãn, 5 cháu mồ côi ở phường Thị Nại (Quy Nhơn), 4 cháu mồ côi ở xã Nhơn An (An Nhơn) đã được giúp đỡ mỗi trường hợp trên 100 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (1986), KV 8, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, bị u hạch cổ, sau 2 giờ được phản ánh trên báo đã có 2 doanh nghiệp tư nhân giúp đỡ 10 triệu đồng để chị Thúy chữa bệnh. Thông qua báo Bình Định điện tử, anh Thái Bá Thành, Việt kiều Mỹ (quê gốc ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) từ California gọi điện về nhờ người thân đến gặp gia đình chị Thúy, tài trợ toàn bộ chi phí đi lại khám chữa bệnh cho chị Thúy tại TP HCM (trên 500 USD), hiện nay chị Thúy đã hết bệnh.
Mong rằng thời gian đến tiếp tục nhận được sự gắn bó, sẻ chia của các nhà hảo tâm để góp phần xoa dịu nỗi đau với những hoàn cảnh kém may mắn.
|