Ai đã từng một lần cắp sách đến trường không thể không có những ấn tượng của riêng mình về lễ khai giảng năm học mới. Dù xa mái trường đã lâu, nhưng nhiều thế hệ không thể quên được những ngày tất bật, hồi hộp, lo lắng chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.
Buổi sáng ngày khai giảng, ai cũng dậy thật sớm, mặc bộ đồng phục mới, rủ nhau đến trường trong niềm hân hoan. Sân trường rợp màu cờ hoa, và tiếng trống trường ngày khai giảng vang lên, bắt đầu cho năm học mới, đánh dấu một thời khắc quan trọng trong cuộc đời học sinh. Đối với những em nhỏ lần đầu tiên cắp sách đến trường, những hình ảnh của lễ khai giảng dễ gieo vào lòng những cảm xúc ban sơ, tác động rất lớn đến niềm vui đến trường và sự ham mê học tập của các em. Thế nhưng, những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, ý nghĩa trang trọng của buổi lễ khai giảng đã dần mất đi.
Hiện nay, phần lớn các trường học tổ chức lễ khai giảng vào đầu buổi học, nên có xu hướng “làm cho có” để nhanh chóng vào lớp học. Có những buổi lễ khai giảng tổ chức vội vàng, chóng vánh trong chưa đầy 15 phút. Lại có lễ khai giảng tổ chức sơ sài, trang trí tạm bợ. Đặc biệt, người viết đã từng chứng kiến những buổi lễ khai giảng mà bài Quốc ca được phát ra từ loa, không một ai, từ cán bộ, giáo viên đến học sinh cất tiếng hát. Và, một hình ảnh dễ thấy trong nhiều lễ khai giảng là, trong khi người hiệu trưởng phát biểu trên lễ đài thì phía dưới, học sinh nhốn nháo đi tìm chỗ trốn nắng, không còn hàng ngũ nghiêm trang.
Trong tâm tưởng của nhiều thế hệ người Việt Nam, ngày khai giảng cũng chính là ngày đầu tiên của năm học mới. Đã gần đến ngày khai giảng, những người có trách nhiệm cần phải chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, để một ngày lễ quan trọng trong môi trường giáo dục thêm phần ý nghĩa.
|