|
Chị Nguyễn Thị Hồng Thu |
Chị Nguyễn Thị Hồng Thu (SN 1966), ở thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước là công nhân của Công ty TNHH Trường Lâm, thuộc Khu Công nghiệp Phú Tài, bị tai nạn lao động trong khi dùng hóa chất tẩy rửa gỗ, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe và thẩm mỹ đã gần 3 năm nay, nhưng vụ việc vẫn chưa được người sử dụng lao động (NSDLĐ) là Ban giám đốc Công ty này giải quyết.
Tháng 10.2003, chị Nguyễn Thị Hồng Thu được Công ty TNHH Trường Lâm nhận làm công nhân, thuộc bộ phận tẩy gỗ bằng hóa chất, với mức lương 780 nghìn đồng/tháng. Lúc 13 giờ 30 phút, ngày 31.9.2004, trong khi đang dùng bazờ đậm đặc tẩy gỗ thì bị văng chất này vào mắt phải gây bỏng. Chị Thu đau nhức dữ dội, sau đó được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Mắt Bình Định. Sau 22 ngày chữa trị, Trung tâm Mắt Bình Định cho chị Thu chuyển vào Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh để có điều kiện chữa trị tốt hơn. Tại đây, chị Thu điều trị nội và ngoại trú khoảng 3 tháng rưỡi nhưng không cứu được mắt bên phải. Giấy ra viện của Bệnh viện Mắt kết luận tình trạng: Bỏng kết giác mạc độ IV, do chất bazờ đậm đặc gây nên, mắt phải của chị Thu bị hỏng hoàn toàn. Sau khi ra viện vài tháng thì mắt trái của chị Thu cũng bị ảnh hưởng đau nhức và giảm thị lực. Chị Thu đã nhiều lần đến khám và điều trị tại Trung tâm Mắt Bình Định.
Chị Thu cho biết: Tai nạn lao động không những đã cướp đi của chị ánh sáng của đôi mắt, mà còn làm cho gia đình chị lâm vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất, con cái phải bỏ học. Đáng buồn là trong suốt thời gian chữa trị và dưỡng bệnh do tai nạn lao động, gia đình chị đã vay mượn khắp nơi để có tiền chi phí, trong khi đó Ban giám đốc Công ty TNHH Trường Lâm rất dửng dưng với rủi ro của chị. Dù hết sức tiện tặn, nhưng tổng chi phí cho việc chạy chữa của chị Thu trên 20 triệu đồng, nhưng Công ty TNHH Trường Lâm chỉ chi cho chị Thu 1 triệu đồng. Sau hơn 1 năm nghỉ việc, một mình chồng chị với công việc không ổn định không thể nuôi được cả nhà, nhất là cảnh thúc bách nợ nần, chị Thu đành trở lại công ty này làm việc. Những tưởng công ty sẽ ưu đãi sắp xếp công việc nhẹ nhàng và phù hợp hơn, mức lương cũng được nâng đỡ chút ít, nhưng ngược lại, do sức khỏe của chị Thu kém hơn, thị lực yếu hẳn nên thu nhập của chị tính theo sản phẩm lao động không đáng được bao nhiêu.
Để tìm hiểu vụ việc, phóng viên Báo Bình Định đã nhiều lần liên hệ với Công ty TNHH Trường Lâm, nhưng lần nào cũng được thông báo là Giám đốc công ty đi công tác xa, Phó giám đốc và Phòng Quản lý nhân sự của công ty không có quyền tiếp xúc với báo chí(!)
Thiết nghĩ, vụ khiếu nại bồi thường và hỗ trợ tai nạn lao động của chị Thu cần phải được Ban giám đốc Công ty TNHH Trường Lâm giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động. Trường hợp từ chối trách nhiệm đối với vụ tai nạn lao động của chị Thu thì phía công ty cũng phải trả lời cho chị Thu bằng văn bản. Các cơ quan chức năng cũng cần can thiệp để bảo vệ kịp thời quyền lợi người lao động.
|