Múa lân trong dịp Tết Trung thu trước đây được xem như một loại hình nghệ thuật, mang đậm nét văn hóa truyền thống phương Đông thì hiện nay hầu như đã bị “thương mại hóa”. Nhiều nhóm thanh, thiếu niên từ 7-10 người góp tiền mua đầu lân và các dụng cụ khác và xem như một công cụ dùng để kiếm tiền trong mùa Trung thu. Có thể thấy, thường trước, trong và sau Tết Trung thu khoảng 5-7 ngày là các hội múa lân này bắt đầu đi khắp các ngả đường từ nông thôn đến thành thị, đến từng nhà để xin tiền. Nhà nào cũng vô, kèm theo là những dòng người đổ xô theo xem làm bụi bay mịt mù, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của nhân dân.
Để mở rộng địa bàn hoạt động, các nhóm thanh, thiếu niên này dùng cả xe ba gác máy để di chuyển từ xã này sang xã khác, có khi còn đi đến địa bàn huyện khác và có trường hợp mâu thuẫn với nhóm múa lân “thổ địa” dẫn đến đánh nhau làm lực lượng công an phải vào cuộc.
Để lành mạnh hóa và đưa hoạt động múa lân đi vào nề nếp, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nên chăng chính quyền địa phương các cấp cần có sự quan tâm chỉ đạo. Các hội, đoàn thể ở cơ sở phối hợp với nhà trường, địa phương tăng cường quản lý con em, ngăn chặn không cho góp tiền mua lân và các dụng cụ để múa lân một cách tùy tiện. Tốt nhất, địa phương nào có điều kiện thì mua sắm đầu lân, sau đó hình thành một đội múa lân, biểu diễn tại những nơi sinh hoạt công cộng như: sân vận động, trụ sở thôn, khối, phố… để mọi người yêu thích loại hình nghệ thuật này đến đó cùng xem và cổ vũ. Ngành văn hóa cần tăng cường công tác quản lý đưa hoạt động múa lân đi vào nề nếp.
|