Báo Bình Định số 3354 ra ngày 3.9.2008 có đưa tin “Bảo tàng tỉnh tiếp nhận một khẩu súng thần công”. Từ việc truy tìm niên đại khẩu thần công này một phần lịch sử thú vị đã được kể lại. Xin nhắc thêm một lần nữa. “Trong trận giao tranh giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn trên đầm Thị Nại vào ngày 27.2.1801, quân Nguyễn được sự yểm trợ của tàu Pháp, đã tiến đánh vào pháo đài Hổ Ky và thủy binh của quân Tây Sơn. Trong trận này, Nguyễn Ánh đã dùng 91 thuyền chiến tham chiến; trong đó, có thuyền gắn tới 32 đại bác. Do đó, khẩu súng thần công vừa phát hiện có khả năng là của quân Nguyễn dùng trong trận chiến trên đầm Thị Nại”.
Mấy năm gần đây, bên cạnh những phát hiện tình cờ như kể trên, các cuộc khai quật khảo cổ học ở tỉnh ta đã phát hiện ra nhiều hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá. Một phần của những kết quả nghiên cứu khoa học đã được trưng bày tại các bảo tàng nhưng so với nhu cầu vẫn còn quá ít ỏi và chưa có mức tập trung như cần thiết. Và điều đáng tiếc là phần lớn những phát hiện này chỉ đến với công chúng một cách phiến diện, đơn giản qua báo chí.
Thiết nghĩ, để người dân, nhất là các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống văn hóa của tỉnh nhà cũng như cuộc giao lưu giữa những nền văn hóa đã diễn ra trong lịch sử trên địa bàn Bình Định, các cơ quan văn hóa cần tổ chức những cuộc triển lãm chuyên đề để thông tin được công bố một cách đầy đủ, bài bản, khoa học và rộng rãi.
|