|
Biển “cấm rẽ trái” vừa mới được dựng tại giao lộ Phan Đình Phùng - Phan Bội Châu. Ảnh: Văn Lưu |
Không biết từ bao giờ, tại giao lộ Phan Đình Phùng - Phan Bội Châu (gần Rạp chiếu phim 31.3) mọc lên một biển báo cấm rẽ trái theo hướng từ đường Phan Đình Phùng sang đường Phan Bội Châu. Theo thói quen, nhiều người không quan sát biển báo này mà cứ đi như thường lệ. Đến khi bị CSGT chặn lại phạt thì mới ngã ngửa vì mình đã phạm luật mà không biết. Với những người tham gia giao thông, việc cơ quan có chức năng đặt biển báo như vậy giống như giăng một cái bẫy để phạt chứ không phải vì trật tự an toàn giao thông. Và cảm giác ấm ức khi bị phạt khiến người ta rất khó tiếp nhận quy định mới.
Khoan bàn đến chuyện đặt những biển báo như thế đã hợp lý hay chưa, việc thay đổi thói quen của một bộ phận người dân cần có cách làm căn cơ hơn, không nên thực hiện theo kiểu… đánh đố như vậy. Ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi khi phân luồng lại giao thông, lắp đặt biển báo mới… Sở Giao thông công chính thường phối hợp với các đơn vị liên quan, cắt cử người hướng dẫn (có thể là những đoàn viên thanh niên tình nguyện). Đồng thời, treo băng rôn ngang đường, chỉ rõ nội dung thay đổi một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Họ làm như vậy khoảng một tuần để người dân thường qua lại tuyến đường đó chú ý và thay đổi thói quen. Đó là một cách làm văn minh và rất được người dân đồng tình.
Việc người tham gia giao thông không quan sát biển báo dẫn tới vi phạm và bị xử phạt là do lỗi ở họ. Nhưng các cơ quan chức năng không nên chỉ đứng chờ người dân phạm luật để xử phạt, mà trước đó cần có những hướng dẫn, nhắc nhở. Bởi mục tiêu của chúng ta là tất cả những người tham gia giao thông chấp hành tốt luật, chứ không phải trông cho có nhiều người vi phạm để… tăng thu ngân sách.
|