Núi Huỳnh Mai hay còn gọi là núi Hoàng Mai nằm địa phận 2 thôn Hưng Nghĩa và Huỳnh Mai thuộc xã Phước Nghĩa (Tuy Phước). Nơi đây có các địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ đó là hố Ông Đế (Văn), hố Cây Da… và gắn liền với di tích lịch sử - nơi an nghỉ của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Thế nhưng, các di tích trên hiện đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng, do hành vi khai thác đá, sỏi bừa bãi của một số cá nhân.
|
Máy múc đang khai thác đá, sỏi tại hố Ông Đế.
|
Theo phản ảnh của nhân dân địa phương, thì núi Huỳnh Mai trước đây đá tảng kết hợp thảm thực vật dày bao phủ tạo nên một màu xanh mát mắt. Nhưng hiện nay khu vực núi Huỳnh Mai đã bị một số cá nhân, doanh nghiệp khai thác đá với quy mô lớn, làm ảnh hưởng đáng kể đến tài nguyên, môi trường và khu di tích; thảm thực vật bị trơ trọi do xe cơ giới đào bới lấy sỏi, đá. Việc khai thác đá, sỏi cũng làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của bà con vùng lân cận. Cụ Trương Hành (1917) bản thân là thương binh, vợ và con trai hy sinh trong kháng chiến, ở xóm Hương Sơn, dưới chân núi Hoàng Mai, vô cùng bức xúc: “Thấy người ta tàn phá núi Huỳnh Mai, tui ra sức cản không cho khai thác đá, sỏi nhưng rồi cũng đành bất lực, chính quyền và các ngành chức năng cũng không lên tiếng. Trong những năm chiến tranh tui hoạt động bí mật ở vùng này, thì hố Ông Đế, hố Cây Da là căn cứ địa của cách mạng. Nhiều người đã hy sinh ở khu vực này, xác anh em vẫn còn chưa tìm hết, bây giờ phá đi tội lỗi lắm. Chính quyền cơ sở thấy lợi trước mắt cho phép họ khai thác hết đá, rồi bây giờ chuyển sang khai thác sỏi, làm mất đi di tích, lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 70 hộ bà con xóm Hương Sơn, ruộng vườn, nhà cửa bị khói bụi đá, đất sỏi theo dòng nước mưa tràn lấp hết cả. Mặt khác các công ty và cá nhân khai thác đá xong không hoàn thổ, tạo nên những hố nước lớn, rất nguy hiểm cho những trẻ con hiếu động, thích tắm ao hồ”.
Chúng tôi leo lên hố Ông Đế nhìn cảnh tượng tan hoang của núi đồi mà thấy quan ngại cho các hộ dân xóm Hương Sơn. Một chiếc máy múc đất đá công suất lớn nằm lưng chừng đồi, nổ máy ầm ầm đang đào lấy sỏi. Chị Lê Thị Trang, nhà nằm cạnh đường vào hố Ông Đế hết sức lo âu: “Cũng bởi họ khai thác sỏi mà bốn, năm ngày nay trời mưa nước từ trên núi đổ xuống kéo theo đất đỏ bồi dày đám ruộng trước nhà. Cả nhà tôi đêm xuống không ai dám ngủ, sợ đất đá tràn vào làm sập nhà không chạy kịp, cứ dùng đèn pin ra vào thăm chừng luôn!”. Còn cụ Nguyễn Lực (71 tuổi) chỉ tay theo con đường đất sỏi từ trên núi đổ xuống từ các trận mưa (từ ngày 6.9), than thở: “Tui bám trụ sống ở đây từ lúc nhỏ đến giờ đâu thấy nước trên hố đổ xuống dữ vậy. Do họ khai thác quá mức, hết đá rồi tới sỏi nên mùa mưa đến nó cứ lở dần, trôi xuống xâm hại nhà cửa, chúng tui nơm nớp sống trong lo sợ. Còn các cháu cứ hễ trời mưa to là rất ngại đi học, các truông nước chảy xiết, nguy hiểm lắm”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các tổ chức, cá nhân khai thác đá, sỏi tại núi Huỳnh Mai gồm ông Tiến (Phước Thuận), Công ty TNHH Anh Minh, Doanh nghiệp Cảnh Minh… và một số người dân ở địa phương (đều không có giấy phép của ngành chức năng) nhưng vẫn đàng hoàng khai thác mà không gặp bất cứ trở ngại nào vì… có nộp phí cho địa phương (!). Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa, cho biết: “Việc khai thác sỏi là để đổ các công trình phòng chống lũ ở xã và khu di giãn dân thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận của huyện. Quá trình khai thác có lòi đá tảng, đá mồ côi, ông Phạm Thanh Tùng, Công ty TNHH Anh Minh xin địa phương cho khai thác và nộp khoảng 10 triệu đồng/năm cho xã để chi phục vụ công ích. Việc ảnh hưởng môi trường trong khai thác là có, nhưng không ảnh hưởng trực tiếp (!)”. Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi thì việc khai thác đá, sỏi đã để lại hậu quả nặng nề đúng như phản ảnh của người dân.
Ngoài ra, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng rất thờ ơ với việc quản lý khu mộ danh nhân Đào Tấn; không ngăn chặn ngay từ đầu việc người dân địa phương phát dọn thực bì đốt 9.000m² trong khu di tích để trồng rừng, làm mất đi cảnh quan vốn có và xâm hại di tích một cách nghiêm trọng. Tuy chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tiến hành các bước xử lý, nhưng đó cũng là việc đã rồi. Với bức xúc của các hộ dân ở các vùng lân cận núi Huỳnh Mai và những người quan tâm đến tài nguyên, môi trường, đến khu di tích văn hóa, mong rằng các ngành chức năng cần tiến hành kiểm tra việc khai thác sỏi, đá trái phép và xử lý nghiêm theo pháp luật với những ai vi phạm, trả lại cảnh quan môi trường cho núi Huỳnh Mai.
|