Tính đến nay Luật BHXH được thực hiện hơn một năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng về việc đóng bảo hiểm đúng thời gian, đóng đủ mức quy định, đóng đủ số người tham gia. Hầu hết các doanh nghiệp đều có chung tâm lý không muốn đóng BHXH cho người lao động. Vì sao hiện tượng này trở nên phổ biến mà không được xử lý? Theo tôi có những nguyên nhân sau đây:
1. Đối với người lao động thì họ không nắm bắt được những quy định của Luật BHXH, vì vậy họ không biết được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm. Điều ấy cũng có nghĩa là người lao động cũng không biết người sử dụng lao động có trách nhiệm gì đối với người lao động trong việc đóng BHXH. Vì vậy họ cũng không có đòi hỏi với người sử dụng lao động.
2. Đối với người sử dụng lao động thì họ thừa biết Luật BHXH quy định như thế nào và họ phải làm gì đối với người lao động trong việc thực hiện BHXH. Tuy vậy, người sử dụng lao động tỏ ra thờ ơ, né tránh để rồi “lách luật”, dẫn đến người lao động bị xâm phạm quyền lợi, làm cho đời sống của họ rơi vào khó khăn khi đau ốm, thai sản.v.v… Như vậy, người lao động đã mất đi quyền lợi vật chất và người sử dụng lao động lại chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Người lao động thì khốn khó, người sử dụng lao động thì giàu lên.
3. Đối với tổ chức công đoàn trong các DN thì tỏ ra thụ động, thiếu khả năng đàm phán, không thể hiện mình là tổ chức “đại diện quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động”. Công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách cho người lao động không được tổ chức công đoàn chú ý, vì thế hiện tượng “mù luật - điếc thông tin” trong người lao động là phổ biến hiện nay. Tệ hại hơn, có doanh nghiệp không xây dựng tổ chức công đoàn, vì thế quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động không được bảo vệ.
4. Đối với chính quyền các cấp thiếu thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm minh những vi phạm của các DN.
Để khắc phục tình trạng các doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động, theo chúng tôi, cần phải:
- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho người lao động như Luật Lao động, Luật BHXH và bản thân người lao động cũng tự nâng cao trách nhiệm học tập, tiếp thu kiến thức pháp luật để tự bảo vệ cho chính mình.
- Tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa chức năng “bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động” như Điều lệ Công đoàn đã quy định. Cán bộ công đoàn cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trước người lao động nhất là bản lĩnh và những kỹ năng đàm phán, kỹ năng thương thảo không ngoài mục đích bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
- Đối với các cấp chính quyền cần nhận thức đầy đủ vai trò quản lý nhà nước của cấp mình, cần chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm minh theo luật pháp. Đối với cơ quan BHXH thì tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện những doanh nghiệp nào, công ty nào không làm tốt việc đóng BHXH thì kiến nghị với cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Mặt khác, ngành BHXH cũng cần đổi mới tinh thần, thái độ, phong cách cũng như phương pháp để khai thác và lôi kéo khách hàng đến với mình.
(Giáo viên Trường THPT Võ Giữ) |