Đừng để cây xanh đường phố tiếp tục gãy đổ
10:20', 14/10/ 2009 (GMT+7)

Hàng loạt cây xà cừ trên đường Phạm Ngũ Lão (gần Thanh tra tỉnh) bị tróc gốc, do không mé cành trước bão.

Bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó thiệt hại không nhỏ về số cây xanh trồng ở đường phố, công viên, trụ sở làm việc, các khu dịch vụ công cộng… ở TP. Quy Nhơn.

Ngay chiều tối 28.9 với sức gió chừng cấp 5, cấp 6, nhưng những cây xà cừ khoảng chục năm tuổi ở đường Tây Sơn đã có dấu hiệu lay gốc và muốn đổ ngã. Đến sáng 29.9, gió khoảng cấp 7, cấp 8 thì đã có nhiều cây tróc gốc đổ ra đường gây cản trở giao thông. Trong khu vực nội thị như đường Lê Duẩn, Phạm Ngũ Lão, Hoàng Văn Thụ, Hùng Vương, trong khu vực Trung tâm Hội chợ - Triển lãm … mỗi đường có hàng chục cây xà cừ đổ ngã, lay gốc, xiêu vẹo. Theo báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng, TP. Quy Nhơn có khoảng 1.350 cây xanh bị thiệt hại, đây là con số không hề nhỏ. Mặt khác, số cây xanh bị đổ ngã này đã làm hư hỏng không ít công trình công cộng, nhà cửa, tài sản của người dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và gây ách tắc giao thông.

Điều đáng nói là đầu mùa mưa, UBND tỉnh và UBND TP. Quy Nhơn đã chỉ đạo việc chủ động phòng chống bão lụt; trong đó có chỉ đạo cơ quan quản lý cây xanh phải chặt mé cành, nhánh để tránh bão gây thiệt hại. Thế nhưng, công việc chặt, mé cành, nhánh cây xanh trong khu vực TP. Quy Nhơn tỏ ra chậm chạp và chủ quan. Qua thực tế thiệt hại do ảnh hưởng bão số 9 cho thấy: Số cây xanh bị tróc gốc, lay gốc, xiêu vẹo phần lớn là cây xà cừ. Đặt điểm của loại cây này là cành, nhánh vươn rộng, tán lớn, nhưng phần gốc rễ thì phát triển chậm và hạn chế. Toàn bộ những cây xà cừ tróc gốc cho thấy, không có cây nào phát triển rễ cọc, mà chỉ có rễ ngang, cạn gần mặt đất, nên sức chống chịu kém.

Sau bão, TP. Quy Nhơn đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để cắt dọn cây xanh ngã đổ để giải phóng ách tắc giao thông. Nhiều cây xà cừ bật gốc được mé cành, dựng lên để trồng lại. Việc cứu cây xanh là cần thiết, nhưng liệu những cây xanh này có chống chịu được mưa bão với một kết cấu gốc rễ khá lỏng lẻo (?) Hiện nay chỉ mới là đầu mùa mưa, thiên tai bão lũ khó mà nói trước, nhưng những cây xanh hiện còn cành lá sum suê nên sẽ rất bất ổn nếu gặp cơn bão khác.

Mong rằng cơ quan quản lý cây xanh chủ động hơn nữa trong công tác bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố.

  • Minh Châu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giúp người có hoàn cảnh khó khăn   (11/10/2009)
Không truy cập Internet vẫn bị tính cước, vì sao?  (10/10/2009)
Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo xử lý vấn đề báo nêu  (07/10/2009)
Vì sao Nguyễn Tấn Tín phải vào cơ sở giáo dục?  (06/10/2009)
Báo đã phản ánh đúng  (03/10/2009)
Tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người  (03/10/2009)
Loạn số nhà  (02/10/2009)
Mạo danh thương hiệu taxi  (30/09/2009)
Cơ quan chức năng cần xem lại công tác kiểm tra  (26/09/2009)
“Bỏ thì thương, vương thì tội”  (23/09/2009)
Bao giờ các HTXNN thu hồi được nợ đọng?  (16/09/2009)
Nên cải tiến việc dạy và học môn Thể dục   (13/09/2009)
Lời khẩn cầu từ xóm Bờ Bạn  (11/09/2009)
“Khát” một cây cầu  (09/09/2009)
Khiếu nại của ông Nguyễn Có hoàn toàn sai sự thật   (05/09/2009)