|
Cần phải đổi mới công tác truyền thông để nâng cao hoạt động phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. |
Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là rất nhiều người nghiện ma túy sau khi cai nghiện đã không thể hòa nhập với cộng đồng và tiếp tục quay trở lại con đường nghiện ngập, mặc dù công tác truyền thông nhằm xóa bỏ sự kỳ thị của gia đình, cộng đồng đối với họ đã được khá chú trọng. Vậy vấn đề đặt ra là cần phải đổi mới công tác truyền thông để nâng cao hoạt động phòng chống ma túy (PCMT), tệ nạn xã hội.
Tại lớp tập huấn “Tuyên truyền phòng chống tội phạm và phòng chống HIV/AIDS” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào tháng 8.2009, TS Nguyễn Thị Minh Thái, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã khẳng định: “Cán bộ làm công tác truyền thông; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cần phải có sự đổi mới trong cách tiếp cận thông tin - dưới góc nhìn văn hóa; đổi mới trong những hình thức, cách thức thông tin nhằm giúp cho người dân hiểu đúng, hiểu đủ về ma túy, HIV/AIDS một cách có văn hóa; tránh những hình thức thông tin, tuyên truyền làm cho người dân cảm thấy ghê sợ, xa lánh, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy hoặc nhiễm HIV/AIDS”.
Thật vậy, dưới góc nhìn văn hóa tiếp cận những giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng, đã góp phần quan trọng tạo nên hiệu quả trong công tác PCMT, tệ nạn xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của các thành viên. Trong cuộc chiến đấu chống ma túy, gia đình có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống sinh hoạt; góp phần động viên, hướng dẫn người nghiện thực hiện đúng các quy định cai nghiện, tự giác chủ động đến với các trung tâm cai nghiện hoặc các cơ sở y tế làm các xét nghiệm chất ma túy định kỳ; động viên người nghiện phối hợp với cán bộ làm công tác PCMT, tệ nạn xã hội; động viên tham gia vào các hoạt động đoàn thể… Chính sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình đối với người nghiện là nhân tố đầu tiên và kiên quyết tạo nên niềm tin để giúp cho những người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Còn cộng đồng là nơi để mọi người tự soi mình, tự nhận thức và đánh giá chính bản thân mình và gia đình. Ở đó chúng ta có họ hàng thân thiết, làng xóm láng giềng. Trong cộng đồng xã hội luôn có những áp lực vô hình tác động đến mọi người. Có những điều tốt đẹp, những nghĩa cử thân thiện thì sẽ được cộng đồng luôn quan tâm, khích lệ, động viên, song nếu có bất kỳ hành vi trái với dư luận xã hội sẽ bị chỉ trích nặng nề, phản ứng kịch liệt. Và lúc đó, cuộc sống của người nghiện sẽ bị khinh thường, kỳ thị, bị xa lánh và bị phân biệt đối xử.
Chính vì vậy nếu tiếp cận công tác truyền thông dưới một góc nhìn văn hóa, các cán bộ làm công tác truyền thông, các nhà báo sẽ biết cách hạn chế những thông tin, hình ảnh ghê rợn về ma túy dễ làm cho cộng đồng sợ hãi, xa lánh, kỳ thị người nghiện. Nếu biết cách phát huy những giá trị văn hóa của gia đình, khơi dậy bản chất văn hóa con người của họ, tạo ra sự tương tác gắn kết hợp lý giữa người nghiện, gia đình, cộng đồng xã hội trong công tác PCMT, chống tái nghiện và hòa nhập cộng đồng.
|