Thời gian gần đây, dọc Quốc lộ 19 (đoạn qua thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) xuất hiện gần chục hộ chuyên mua bán san hô để làm cảnh. Trong vai người đi mua san hô để làm hòn non bộ, chúng tôi có dịp tiếp cận với những hộ kinh doanh này. Những người này cho biết, san hô được nhập về từ Sông Cầu (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa). Trước đây, san hô được mua về để nung vôi nhưng giờ chủ yếu là bán làm đá cảnh trang trí cho các tay chơi sanh, hồ cá và hòn non bộ.
|
San hô được bày bán một cách công khai. Ảnh: C.L
|
Theo các đầu nậu, san hô được khai thác từ Sông Cầu và Nha Trang có chất lượng tốt, đa dạng về hình dáng. San hô ở đây được bán tùy theo nhu cầu của khách hàng, khách có thể mua theo ký với giá từ 800 - 1.000/kg hoặc mua theo khối, một khối có giá là 320 ngàn đồng. Theo lời của một chủ kinh doanh, hiện nhu cầu của người mua là rất lớn, một ngày có thể bán được từ 10 mét khối san hô trở lên, có ngày xe vừa chở hàng về đã được bán sạch.
Ngày 28.10, trao đổi với chúng tôi, ông Từ Hải - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy Phước, cho biết: Trước tình trạng mua bán san hô của một số người dân, Phòng đã tiến hành đi kiểm tra để xác định nguồn gốc số san hô được bày bán. Theo đó, lượng san hô trên chủ yếu được mua về từ Nha Trang, còn các hộ mua bán san hô trước đây là xã viên của HTX Trường Úc (thuộc lò vôi Trường Úc). Nay do nhu cầu mua san hô để làm non bộ, trang trí cây cảnh lên cao nên họ chuyển qua làm dịch vụ này.
Ông Hải còn cho biết: “Qua đợt kiểm tra chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết mua bán san hô là trái phép, ảnh hưởng tới tài nguyên biển. Cái khó hiện nay là san hô được khai thác từ địa phương khác, các hộ ở đây chỉ là người mua đi bán lại để kiếm lời nên cũng khó xử phạt họ. Chủ yếu chỉ vận động để họ không tiêu thụ san hô nữa, cái chính vẫn là làm sao ngăn chặn tận gốc”. Ông Hải cũng cho biết thêm, hiện Phòng Tài nguyên - Môi trường đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Tuy Phước và đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của lãnh đạo huyện.
Tuy san hô không được khai thác trên địa bàn Bình Định nhưng việc mua bán san hô của một số hộ dân nơi đây đã gián tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và môi trường biển. Có cầu ắt sẽ có cung, người dân ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa sẽ đổ xô đi khai thác san hô để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các rạn san hô sẽ bị suy thoái và có nguy cơ biến mất do tốc độ khai thác quá nhanh. Các nguồn lợi hải sản, sự đa dạng sinh học chắc chắn sẽ bị suy giảm. Đặc biệt, san hô biến mất đồng nghĩa với chức năng chắn sóng tự nhiên của chúng bị vô hiệu hóa khi có bão hoặc sóng thần. Hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho người dân ở địa phương có san hô bị khai thác mà đây còn là thảm họa cho tất cả chúng ta. Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng có liên quan sớm có biện pháp để ngăn chặn tận gốc tình trạng trên.
|