Trong cơn bão số 11, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề; nhiều công trình giao thông bị hư hỏng nặng. Trong đó, mố cầu Khẩu nối thôn Hiệp Vinh 2 và thôn Tân Vinh bị sạt lở nặng, làm ách tắc giao thông trên tỉnh lộ 638 (Tuy Phước - Vân Canh). Trước tình hình này, người dân 2 thôn Hiệp Vinh 2 và Tân Vinh đã góp sức xây dựng cây cầu tạm để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con trong địa phương và nhân dân ở những vùng lân cận khi lưu thông qua con đường này.
|
Cầu tạm được người dân 2 thôn Hiệp Vinh 2 và Tân Vinh làm để phục vụ đi lại trong những ngày sau bão lũ. Ảnh: Hồng Các
|
Qua gần 2 ngày đóng góp công của, chiều ngày 4.11, chiếc cầu tạm có chiều rộng gần 2m, dài hơn 15m ra đời. Phần chân cầu được đóng bằng những chiếc cọc gỗ, bên trên mặt cầu tạm được đóng bằng ván. Kinh phí để “xây dựng” cầu khoảng hơn 2 triệu đồng và nhiều công sức của bà con. Để thu lại phần nào vốn đã bỏ ra, những người làm cầu đã thu “phí dịch vụ” qua cầu, giá của mỗi lượt qua lại cầu này là 5 ngàn đồng, rẻ gấp 3 lần so với mỗi lượt đò và qua lại an toàn hơn, nhanh hơn. Bà con nơi đây gọi vui là “cầu dịch vụ”. Chị Năm Thuấn, một người dân ở Tân Vinh, nói: “Có chiếc cầu tạm này lũ nhỏ đi học cũng đỡ vất vả, không tốn tiền và bậc cha mẹ như chúng tôi cũng đỡ lo lắng”.
“Cầu dịch vụ” cũng có chế độ miễn giảm. Khi cây “cầu dịch vụ” được đưa vào sử dụng, thì “đội quân dịch vụ” cũng ra đời. Đội này có khoảng trên 10 người làm những công việc như thu tiền phí, những thanh niên trẻ tuổi thì dắt xe qua cầu giúp cho những người đi đường nếu ai có nhu cầu, người lớn tuổi hơn thì đứng bên trên để tư vấn, hướng dẫn cho những ai còn e ngại, dè dặt. Điều đặc biệt ở đây, những người thu phí dịch vụ chỉ thu tiền của những người đi đường; còn học sinh, bà con trong thôn và những lực lượng tham gia cứu trợ thì được miễn phí qua cầu.
Một anh trong “đội quân dịch vụ” cho biết: “Mấy ngày trước, người dân qua lại nơi đây khổ lắm, phải đi bằng đò nhưng mà nước ở đây chảy xiết. Bà con chúng tôi nghĩ ra việc làm cây cầu tạm này xuất phát từ nhu cầu đi lại của nội bộ nhân dân ở đây. Việc thu tiền dịch vụ là để bù lại công, của mà bà con bỏ ra, chứ không có mục đích kinh doanh. Khi cầu Khẩu hoạt động được thì chúng tôi cũng an tâm tháo dỡ cầu tạm này”.
Ông Đào Văn Nhật- Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cho biết: “Đợt bão này đã làm mố cầu bị sập, các phương tiện không thể lưu thông được nên bà con nhân dân các thôn đến nhận hàng cứu trợ cũng rất khó khăn, muốn qua được cầu thì phải đi đò. Bức xúc quá, một số dân ở 2 thôn phối hợp với nhau để làm chiếc cầu tạm này để qua lại. Ban đầu UBND xã thấy việc những người dân tự phát làm cầu, có thu phí qua cầu tạm, nên đã xuống kiểm tra. Nhưng không thấy có mục đích kinh doanh để hám lợi, chủ yếu là phục vụ dân sinh, thu hồi lại công của đã đầu tư; hơn nữa ngày 7.11, đường đã thông, nên chiếc cầu tạm này đã được tháo dỡ ngay, nên xã không cấm”.
Xét về nguyên tắc quản lý giao thông đường bộ, thì các “cổ đông” của 2 thôn Hiệp Vinh 2 và Tân Vinh không được cấp phép để đưa cây cầu tạm này vào sử dụng, nhưng trong thời điểm khó khăn nhất định, để phục vụ lợi ích chung của địa phương và công cộng, thì chiếc cầu tự phát này đã mang lại hiệu quả đáng kể cho mục đích giao thông.
|