Rừng phòng hộ ven biển kêu cứu
9:44', 14/11/ 2009 (GMT+7)

Từ sau bão số 11 đến nay, rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) và thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) kêu cứu, bởi hàng ngày, có hàng trăm người vào rừng chặt phá lấy gỗ dương về hầm than.

 

Vận chuyển gỗ dương khai thác trái phép bằng cộ bò. Ảnh: Xuân Thức

 

Sáng 11.11, chúng tôi quan sát thấy trên trục đường Nhơn Hội - Cát Tiến, thuộc tỉnh lộ 639, liên tục có nhiều phụ nữ cưỡi xe đạp đèo phía sau những khúc gỗ dương được chặt thành khúc dài chừng 1m, đường kính 10cm đến 20cm, bỏ trong bao tải, rẽ vào xóm 2 thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến. Lần theo những phụ nữ này, chúng tôi phát hiện phía sau những ngôi nhà nằm hai bên đường đều có hầm đốt than, khói đang bốc lên nghi ngút.

Anh Nguyễn Văn Đường, một người dân địa phương, tỏ ra rất bức xúc: “Đội ngũ phá rừng dương ở thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến; thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, và thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa khá hùng hậu. Trước đây, họ làm lẻ tẻ vài ba hộ, bây giờ lên đến vài trăm hộ. Cứ sáng sớm, hay trưa và chiều tối vắng người qua lại đường trục, là xe đạp, xe máy, cả cộ bò, xe công nông hoạt động nhộn nhịp, chở gỗ dương về nhà cất giấu, rồi đào hầm đốt than. Chính quyền, chủ rừng, người giữ rừng có biết nhưng đâu thấy ai bảo vệ. Vì thế, sẵn thời điểm nông nhàn, ai cũng tranh nhau phá rừng đốt than kiếm tiền. Cứ đà này chẳng bao lâu rừng phòng hộ sẽ biến mất!”.

Cách đường trục chừng 200m hướng ra phía biển, tại tiểu khu 281, nhiều cây dương có đường kính chừng 20 cm chỉ còn trơ lại gốc. Rừng ở khu vực này trước đây khá dày còn bây giờ thì thưa thớt cũng do bàn tay con người hủy hoại nó. Ông Trần Xuân Hải, một trong 7 hộ nhận khoán bảo vệ rừng dương thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, không giấu được nỗi lo: “Từ ngày đường trục mở ra, tình trạng phá rừng gia tăng. Chúng tôi đã tuần tra liên tục nhưng không có công cụ hỗ trợ nên không làm được gì. Người phá rừng đông, họ đi thành đoàn, toán, nếu thấy mình họ bỏ chạy; còn bị bắt giữ thì họ hùa nhau chống cự, giải thoát. Hơn nữa, theo đường trục bây giờ có quá nhiều lối đi vào rừng, nên việc quản lý, bảo vệ không dễ”.

Điều đáng lo ngại là công tác phối hợp với các địa phương có rừng chưa tốt. Những ai phá rừng bản thân người giữ rừng đều biết, nhưng do ở khác địa phương, nên không bắt giữ được, đến khi điện báo được lực lượng chức năng thì họ đã tẩu tán hết lâm sản. Mặt khác, chủ rừng (Ban quản lý Rừng phòng hộ Phù Cát) ở quá xa, lâu lâu mới xuống kiểm tra một lần; còn kiểm lâm địa bàn có mặt chưa thường xuyên, kịp thời. Việc xử phạt đối với những đối tượng phá rừng cũng còn nương nhẹ, thiếu tính răn đe. Như vụ ông Trần Văn Cơ, ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, bị bắt quả tang đang phá rừng, bị lập biên bản xử phạt hành chính bằng tiền, nhưng ông Cơ không chịu nộp phạt, cũng không có biện pháp chế tài.

Rừng dương ven biển Cát Chánh có 299,5 ha đã khoán cho 7 hộ dân quản lý, bảo vệä. Rừng thì rộng, người bảo vệ ít, phụ cấp 100 ngàn đồng/ha/năm là quá thấp, nên việc giữ rừng không mấy hiệu quả.

Thiết nghĩ, để việc quản lý rừng phòng hộ ở ven biển đạt hiệu quả tốt, ngành chức năng cần phải có chế tài xử phạt, kể cả truy tố trước pháp luật các đối tượng tái phạm, tịch thu các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần có chính sách đầu tư phát triển các làng nghề như: dệt chiếu, làm các sản phẩm từ cây cói, hay chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm thân thiện với môi trường… để người dân có việc làm, phát triển kinh tế gia đình; từ đó, hạn chế và từ bỏ việc phá rừng, đốt than.

  • Xuân Thức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vì sao không được trả lại hồ sơ khi chuyển trường?  (11/11/2009)
Xử lý nhà xe bắt chẹt hành khách  (09/11/2009)
Người dân làm cầu tạm vượt lũ  (09/11/2009)
Nở rộ dịch vụ mua bán san hô  (31/10/2009)
Đổi mới hoạt động truyền thông phòng chống ma túy  (28/10/2009)
Sao không trả tiền cho dân?  (24/10/2009)
Cần xử lý kiên quyết  (21/10/2009)
Xung quanh việc hủy một hợp đồng để đảm bảo thi hành án  (21/10/2009)
Mỹ Thành ước mong một kè chắn sóng  (17/10/2009)
Đừng để cây xanh đường phố tiếp tục gãy đổ  (14/10/2009)
Giúp người có hoàn cảnh khó khăn   (11/10/2009)
Không truy cập Internet vẫn bị tính cước, vì sao?  (10/10/2009)
Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo xử lý vấn đề báo nêu  (07/10/2009)
Vì sao Nguyễn Tấn Tín phải vào cơ sở giáo dục?  (06/10/2009)
Báo đã phản ánh đúng  (03/10/2009)