|
Hàng tá công tơ điện bám vào một trụ điện. |
Dây điện mắc chằng chịt, tạm bợ vào trụ tre, bạch đàn; hàng chục công tơ điện “bám” vào một cột điện. Đó là hình ảnh “điển hình” của hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ngày 18.11, tại vùng ruộng thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước đã xảy ra vụ đường dây điện hạ thế bị rò rỉ, giật chết tại chỗ một con bò. Được biết, đây không phải là lần đâu tiên xảy ra tình trạng rò rỉ điện tại cột điện trên. Theo phản ánh của một số người dân thì trước đây cột điện này cũng bị rò rỉ và giật một người dân trong lúc cắt rau gần đó, rất may là người này thoát chết. Trước đó, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 12.11, đường dây điện hạ thế đi từ thôn Tri Thiện đến thôn Lộc Ngãi, xã Phước Quang (Tuy Phước) bị đứt rơi xuống ruộng cũng giật 2 con bò cái lai của ông Ngô Tỵ chết tại chỗ.
Từ 2 vụ việc nói trên, chúng ta có thể thấy phần nào sự xuống cấp và mối hiểm họa của hệ thống điện nông thôn hiện nay. Phần lớn hệ thống điện nông thôn tại tỉnh ta được xây dựng cách đây đã hơn một thập kỷ. Tới thời điểm hiện nay thì hầu hết đã xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, sau cơn bão số 11 vừa qua thì lưới điện nông thôn càng hư hỏng thậm tệ hơn. Dọc theo QL1A (đoạn qua các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước), không khó để bắt gặp các đường dây điện được mắc chằng chịt như những mạng nhện rất nguy hiểm. Trụ để mắc dây điện cũng hết sức tạp nham, từ trụ bê tông đến trụ tre, trụ bạch đàn… Nhiều trụ trong số đó bị xiêu vẹo, ngả nghiêng.
Đi sâu vào vùng nông thôn (dọc theo các tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã), những mạng nhện này còn dữ dằn và rùng rợn hơn. Nhiều đường dây điện đi “ngầm” trong những bụi cây, chen chúc trong những lùm tre ven đường hoặc đi sát trên mái nhà dân đã bị bong tróc hết vỏ. Nhiều người dân có ruộng gần nhà lén lút kéo điện ra ruộng để bẫy chuột hay nối với mô tơ điện để bơm nước từ giếng lên tưới cho lúa. Điều đáng nói hơn là những đường dây điện này được kéo chồng chéo với nhau và nằm là là trên mặt nước. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa cho người đi thăm đồng, nhất là vào ban đêm.
Dây điện đã thế, công tơ điện cũng chẳng khá hơn là mấy. Tình trạng một cột điện phải gánh từ 10 đến 20 chiếc công tơ điện là chuyện hết sức bình thường ở… xã. Từng chiếc công tơ điện giành giật, chen lấn nhau để kiếm cho mình một vị trí thật vững chắc trên trụ điện. Đáng ngại là, những trụ điện có công tơ đeo bám lại nằm sát với nhà dân. Nhiều hộ sử dụng điện vào việc vận hành máy xay xát gạo, bột mì, mỗi khi khởi động máy thì công tơ điện lại bắn lửa ra tung tóe rất nguy hiểm.
Những “tổ tò vò” nói trên là mối nguy hiểm thường trực, sự cố chập điện, cháy nổ các công tơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các hộ gia đình “lỡ” có trụ điện “gánh” công tơ ở gần nhà chỉ còn biết than trời, kêu đất. Thế nhưng có than khàn cả cổ cũng chẳng ai thấu. Bởi dường như các hợp tác xã điện năng chỉ quan tâm tới việc tới tháng thu tiền điện, còn việc đảm bảo an toàn thì “hồn ai người ấy giữ”.
Tình trạng lưới điện nông thôn xuống cấp nói trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản người dân mà còn tổn thất một lượng lớn điện năng.
Nhận thấy vấn đề trên, ngày 14.4.2008, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH - UBND về việc sắp xếp, hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh điện khu vực nông thôn đến năm 2010. Theo đó, Điện lực Bình Định sẽ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đối với những đơn vị có nhu cầu chuyển giao và kinh doanh điện kém hiệu quả. Việc làm này sẽ góp phần nâng cấp hệ thống điện nông thôn, đảm bảo chất lượng điện năng và quan trọng hơn là người dân sẽ được mua điện với giá rẻ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay việc chuyển giao vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, một số hợp tác xã dịch vụ điện vẫn còn nấn ná trong việc chuyển giao với nhiều lý do khác nhau.
Hy vọng rằng, việc chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn sớm được hoàn tất và ngành điện Bình Định có biện pháp nâng cấp, cải tạo mạng lưới điện nông thôn đạt yêu cầu về đảm bảo an toàn cũng như tính thẩm mỹ. Có như vậy mới không còn giật mình mỗi khi nhìn thấy lưới điện nông thôn, đồng thời góp phần hạn chế những hậu quả xấu có thể xảy ra từ hệ thống điện.
|