Chuyện về cây lộc vừng bỗng dưng… biến mất
10:25', 18/12/ 2009 (GMT+7)

Thời gian gần đây, bà Trần Thị Hoàng Phương (SN 1961, trú thôn Hiển Đông, Canh Hiển, Vân Canh) liên tục tới các cơ quan chức năng của huyện để khiếu nại việc cây lộc vừng trong vườn nhà bà bỗng nhiên biến mất và hiện đang được trồng tại trụ sở UBND xã Canh Vinh (Vân Canh).

 

Cây lộc vừng bị đào trộm, gia đình bà Phương phát hiện giữ lại vào sáng 23.9.

 

* Từ cây lộc vừng bị đào trộm

Theo trình bày của bà Phương, sáng 23.9, khi con trai đi thăm vườn thì phát hiện cây lộc vừng trong vườn nhà đã bị kẻ gian đào trộm nhưng chưa kịp vận chuyển. Trong khi gia đình bà gọi người tới bán thì Kiểm lâm, Công an huyện Vân Canh và cán bộ xã Canh Hiển tới hiện trường để ngăn cản việc mua bán. Sau đó, lực lượng này huy động xe cẩu tới để kéo cây lộc vừng đi. Do cây lộc vừng nằm trong đất bà Phương canh tác, trồng trọt từ lâu nên gia đình bà kiên quyết không cho chuyển đi. Những ngày sau đó, cả lực lượng kiểm lâm và gia đình bà Phương đều cử người canh giữ cây.

Bà Phương cho rằng: “Cây lộc vừng tôi không trực tiếp trồng nhưng nó mọc trong đất của tôi thì tại sao kiểm lâm, công an và cán bộ xã lại không cho tôi chuyển vào nhà để trồng mà lại kéo về trạm kiểm lâm? Đúng là tôi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh vườn nói trên nhưng đây là đất sa bồi thủy phá, tôi đã canh tác trên đó 26 năm rồi và không hề có ai tranh chấp”. Ông Đoàn Xuân Hoàng, nguyên Trưởng thôn Hiển Đông xác nhận: “Đúng là cây lộc vừng này nằm trên diện tích đất của bà Phương đang canh tác”.

Tại biên bản kiểm tra ngày 20.10 của tổ công tác liên ngành (Hạt Kiểm lâm huyện, Trạm kiểm lâm xã Canh Hiển, cán bộ xã Canh Hiển) kết luận: Cây lộc vừng nói trên không thuộc quyền sở hữu của bà Trần Thị Hoàng Phương. Do đó, gia đình bà không được vận chuyển cũng như mua bán. Ông Trần Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Canh Hiển, cũng khẳng định: “Cây lộc vừng nằm trên đất của bà Phương đang canh tác, nhưng đất này chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên vẫn thuộc diện tích đất do xã quản lý, do đó gia đình bà Phương không phải là chủ sở hữu cây lộc vừng này”.

 

Cây lộc vừng được trồng tại UBND xã Canh Vinh và đã nảy chồi.

 

* Đến cây lộc vừng bị tranh chấp

Sau khi vụ việc xảy ra, ông Đoàn Xuân Hoàng là Trưởng thôn Hiển Đông đã đề nghị Hạt Kiểm lâm Vân Canh cho thôn được đưa cây này về trồng tại trụ sở thôn. Hạt Kiểm lâm có tờ trình gửi UBND huyện Vân Canh về việc xin tận dụng cây lộc vừng làm cây cảnh cho Ban quản lý thôn Hiển Đông. Ngày 27.10, UBND huyện có công văn đồng ý theo đề xuất của Hạt Kiểm lâm huyện, với nội dung: Cho thôn Hiển Đông vận chuyển cây về trồng làm cảnh quan, không được bán hoặc vận chuyển đi nơi khác.

Việc tranh chấp “quyền được chăm sóc” cây lộc vừng còn đang giằng co giữa bà Phương và các cơ quan ở địa phương, thì đến ngày 6.11, sau cơn lũ lịch sử xảy ra tại Bình Định, bà Phương phát hiện cây lộc vừng “không cánh mà bay”. 

Bà Phương cho biết, khi phát hiện mất cây lộc vừng gia đình bà lập tức đi tìm. Đến ngày 8.11, bà biết được một số người ở cùng địa phương đang lợi dụng sức nước lũ của sông Hà Thanh để chuyển cây đi. Suốt đêm ngày 8 và sáng ngày 9.11, bà tìm mọi cách để ngăn cản số người trên nhưng không được. Khi tới địa bàn xã Canh Vinh, vì những người này quá hung hãn, đuổi đánh nên bà chạy tới xã Canh Vinh để báo cáo vụ việc cho công an xã.

Ông Đào Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh cho biết: Ngày 9.11, nhận được tin báo của bà Phương, UBND xã cử người tới hiện trường để tạm giữ cây. Lúc này, 14 đối tượng đang vận chuyển cây lộc vừng chống đối lại quyết liệt. UBND xã đã báo cáo cho Hạt Kiểm lâm Vân Canh và Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện kéo cây về UBND xã Canh Vinh, sau đó, xác minh nguồn gốc cây lộc vừng theo đơn báo cáo của bà Phương về việc mất trộm cây.

Theo các biên bản do Hạt Kiểm lâm Vân Canh và UBND xã Canh Hiển lập trước đây thì cây lộc vừng không phải quyền quản lý của bà Phương. UBND xã Canh Vinh đã xin ý kiến Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho phép được trồng cây lộc vừng tại trụ sở xã để tạo cảnh quan.

Vụ việc tuy không lớn, nhưng tại sao gia đình bà Trần Thị Hoàng Phương lại liên tiếp tới các cơ quan chức năng của huyện và các xã để khiếu nại? Cây lộc vừng này vì sao mà nhiều cơ quan ở địa phương muốn “tự nguyện” chăm sóc nó? Mong các cơ quan liên quan của huyện Vân Canh sớm có câu trả lời thật rõ ràng và thấu tình đạt lý những thắc mắc của bà Phương, để chấm dứt việc khiếu nại kéo dài.

  • Minh Công
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những công viên bị bỏ phí  (16/12/2009)
Dân kêu cứu vì xưởng gỗ gây ô nhiễm  (14/12/2009)
Sáu năm vẫn chưa thực hiện “lời hứa” với dân  (14/12/2009)
Tỉnh lộ 631, con đường “đau khổ”  (09/12/2009)
“Cung đường đen” ở cửa ngõ TP Quy Nhơn  (05/12/2009)
Một bài học cho chính quyền địa phương  (04/12/2009)
Thành thật xin lỗi nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (04/12/2009)
Xây trạm BTS gây nứt nhà bên cạnh  (27/11/2009)
Giật mình lưới điện nông thôn  (25/11/2009)
Về bài báo “Vì sao không được trả lại hồ sơ khi chuyển trường”  (18/11/2009)
Rừng phòng hộ ven biển kêu cứu  (14/11/2009)
Vì sao không được trả lại hồ sơ khi chuyển trường?  (11/11/2009)
Xử lý nhà xe bắt chẹt hành khách  (09/11/2009)
Người dân làm cầu tạm vượt lũ  (09/11/2009)
Nở rộ dịch vụ mua bán san hô  (31/10/2009)